Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, một trong các lý do khu xử lý rác Đa Phước chôn lấp hoàn toàn thay vì tái chế một phần rác như hợp đồng ký là thành phố chưa cung cấp được chất thải đã phân loại tại nguồn.

Thực ra trước đó, Sở TN&MT đã triển khai nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn với kinh phí không nhỏ nhưng đều thất bại do không có hệ thống phân loại đồng bộ từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu.

Khung cảnh ngập chìm trong rác tại "thủ phủ rác" - làng Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Loan Lê

Về vấn đề này, ông Phùng Chí Sỹ nói: “Thực ra ở Việt Nam hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn không khó, nhưng quan trọng là phân loại rác để làm gì? Bởi lẽ, nếu đã phân riêng từng loại thì phải có thu gom riêng. Hiện Việt Nam chưa có đủ cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết bị để thu gom riêng. Vì vậy, rác dù đã được phân loại tại nguồn nhưng việc này sẽ không còn ý nghĩa khi thu gom xong đưa về nơi xử lý thì vẫn đổ đống chung”.

Theo ông, nếu có thể thu gom riêng thì việc phân loại rác tại nguồn cũng không quá phức tạp. Các công nhân môi trường chỉ cần phổ biến cho người dân cách phân loại rác rồi áp dụng một số quy định như thu phí vệ sinh cao đối với những hộ không phân loại và giảm phí cho những hộ có phân loại. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được để nâng cao ý thức của người dân.

Ông Phan Trí Dũng cho rằng, bất kỳ công nghệ xử lý rác thải nào cũng đều vướng phải hai vấn đề là xử lý và phân loại rác. Theo ông, sau khi được thu gom rác về bãi xử lý không nên phân loại bằng sức người.

Bởi lẽ rác ở Việt Nam thường có độ ẩm cao, có lẫn phế phẩm giết mổ gia đình tạo nên mùi hôi thối, độc hại lớn khi phân hủy, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, vi sinh vật gây hại phát triển nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, rác sinh hoạt Việt Nam thường bị trộn lẫn với rác thải nguy hại nên cũng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người phân loại. Do đó, nên có giải pháp phân loại rác bằng máy.