Theo NHK World Japan, một startup tại Nhật Bản – nắm trong tay công nghệ chỉnh sửa gen cá tráp đỏ để tạo ra những miếng phi lê dày hơn – vừa chính thức bán loại sản phẩm này.

Đây là một công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ mang tên Viện Nghiên cứu Cá & Thủy sản vùng Kyoto (RFI). Trong thời gian qua, RFI đã hợp tác cùng Đại học Kyoto và Đại học Kindai để tạo ra loài cá tráp đỏ Madai cho tỷ lệ thịt nhiều hơn 20% nhờ công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) – giúp loại bỏ một loại protein kìm hãm sự phát triển của cơ bắp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu suất sử dụng thức ăn sẽ được cải thiện thêm 14%.

Loại cá tráp chỉnh sửa gene cho tỷ lệ thịt nhiều hơn tới 20%.

Loại cá tráp chỉnh sửa gene cho tỷ lệ thịt nhiều hơn tới 20%. Ảnh: RFI.

Công ty cho biết, kỹ thuật chỉnh sửa gene mà họ nắm giữ sẽ là chìa khóa giúp rút ngắn thời gian đạt hiệu quả của quá trình nhân giống chọn lọc – từ 30 năm xuống chỉ còn 2 năm. “Theo tính toán, số lượng cá thể cá tráp mang đặc điểm di truyền khác biệt trong tự nhiên là vào khoảng 7,5 triệu con – tức 1%. Vì thế, công việc chúng tôi đang làm thực chất cũng không nằm ngoài sự ngẫu nhiên đó,” RFI giải thích trên trang chủ. CEO công ty, ông Tadanori Umekawa cho biết: cá tráp của RFI chính là loại thực phẩm chỉnh sửa gene nguồn gốc động vật đầu tiên trên thế giới được thương mại hóa.

Cần phân biệt rõ chỉnh sửa gen (GE) với biến đổi gen (GMO), phương pháp hiện đang được công ty công nghệ sinh học AquaBounty tại Mỹ sử dụng – cấy gene của cá hồi Chinook để giúp cá hồi Đại Tây Dương phát triển nhanh hơn. Theo quy định của Nhật Bản, các thực phẩm thuộc loại GMO – chứa gene ngoại lai – sẽ phải vượt qua bài kiểm tra an toàn trước khi được lưu hành, còn sản phẩm GE thì không.

RFI cũng là doanh nghiệp thứ hai đưa thực phẩm GE đến với thị trường Nhật Bản. Trước đó, một loại cà chua GE chứa thành phần dưỡng chất có tác dụng giúp làm hạ huyết áp đã được bán rộng rãi trên mạng.

.

Ông Tadanori Umekawa, CEO công ty RFI. Ảnh: RFI.

Hiện tại, RFI đã giao sản phẩm cá tráp phi-lê (đóng gói cùng tảo bẹ hoặc chế biến thành sushi) công khai dán nhãn GE tới người tiêu dùng. Umekawa cho biết công ty sẽ theo sát tình hình doanh số và phản hồi của khách hàng để thực hiện điều chỉnh nếu cần thiết. Thông qua những loại cá được chỉnh sửa gene để thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau, RFI mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản và kinh tế địa phương.