GS Andrew Tasker (giữa) được cấp 30.000USD để nghiên cứu tác dụng chữa trầm cảm của nhân sâm. Ảnh: Upei
Tasker cho biết: “Đây là ý tưởng riêng của tôi. Hiện chưa có dữ liệu sơ bộ về vấn đề này. Tuy nhiên nhiều thế kỷ qua, đông y đã dùng nhân sâm để điều trị chứng rối loạn trầm cảm. Theo tôi, các hoạt chất ginsenosides trong nhân sâm có thể là tác nhân đem đến công dụng đó. Y học phương Tây có thể tìm ra thuốc điều trị bệnh trầm cảm từ việc nghiên cứu vấn đề này”.
Ông Tasker cho biết, dù đây mới chỉ là khởi đầu và chưa thu thập được nhiều bằng chứng, ông tin rằng nghiên cứu này rất đáng được triển khai. Vị giáo sư nhấn mạnh, dù trước đây đã có một vài nghiên cứu về tác dụng của ginsenosides đối với một số bệnh thần kinh khác, nhưng việc dùng nó để điều trị trầm cảm là ý tưởng hoàn toàn mới.
Theo ông, tuy hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sản xuất để điều trị chứng trầm cảm, nhưng không có nhiều sản phẩm thực sự phát huy tác dụng.
“Hiệu quả của thuốc lẽ ra phải thấy được một cách nhanh chóng, nhưng thực tế đôi khi phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới bộc lộ đôi chút công hiệu. Ngoài ra, tỷ lệ người sử dụng hiệu quả các loại thuốc này không cao. Điều đó chứng tỏ chúng ta còn nhiều điều chưa rõ ràng về các rối loạn trầm cảm và khả năng điều trị căn bệnh này vẫn rất hạn chế”.
Tasker đã lên kế hoạch thử nghiệm trên những con chuột đã được biến đổi gene để mắc bệnh trầm cảm. Ông sẽ cho chúng dùng thuốc kết hợp với ginsenosides rồi quan sát và nghiên cứu tác dụng của thuốc đối với chúng.