Sau thu hoạch, đất trồng nhân sâm được “nghỉ ngơi” 10 năm để phục hồi trước khi vụ mới; sản phẩm phải qua 10 bước sơ chế và phân thành 3 cấp thiên, địa, lợi… Đó là 2 trong nhiều tiêu chuẩn mà tập đoàn nhân sâm lớn nhất Hàn Quốc áp dụng để sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế.

Hơn 1 tỷ USD tiền bán sâm mỗi năm

Về sản lượng, Hàn Quốc chỉ đứng thứ nhì thế giới trong sản xuất nhân sâm. Năm 2009, sản lượng nhân sâm của Hàn Quốc đạt 27.480 tấn, so với 44.749 tấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm Hàn lại thống trị thị trường toàn cầu.

Năm 2009, nhân sâm đã đem về cho nước này khoảng 1,14 tỷ USD, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 619 triệu USD. Bất kỳ loại sản phẩm nhân sâm nào cũng có thể được tìm thấy ở Hàn Quốc, từ các nhà kho, cửa hàng trên phố, đại lý bán lẻ, siêu thị, hiệu thuốc, các chợ truyền thống cho đến cửa hàng online.

Sản phẩm nhân sâm ngâm trong bình bán tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Wikipedia

Nhân sâm được tiêu thụ ở 4 dạng: Sâm tươi, sâm trắng (bạch sâm), sâm đỏ (hồng sâm) và sâm sấy khô. Trong đó, hồng sâm được đánh giá là đại diện tiêu biểu của nhân sâm Hàn Quốc, chiếm 70% thị phần trong nước và 15% doanh số xuất khẩu.

Tập đoàn nhân sâm Hàn Quốc (KGC) - công ty trồng và sản xuất nhân sâm lớn nhất xứ sở kim chi - xuất khẩu hồng sâm đi 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chuyên đề về sâm Ngọc Linh

Bí quyết kiểm soát chất lượng

Để giữ uy tín, khâu kiểm soát chất lượng nhân sâm được xem là yếu tố then chốt. Điều này thể hiện rất rõ ở KGC. Tất cả các nông trại trồng sâm cho KGC đều có hợp đồng độc quyền. Để chấp nhận một nông hộ vào hệ thống của mình, KGC thực hiện 260 thử nghiệm về chất lượng đất. Sau đó, hộ nông dân trải qua 2 năm đánh giá đất để đạt điều kiện canh tác nhân sâm tốt nhất.

Nhân sâm được trồng theo quy trình nghiêm ngặt, giảm tối đa hóa chất nông nghiệp. Nhân viên KGC kiểm tra thường niên các cánh đồng. Củ sâm được thu hoạch sau 6 năm - thời điểm các thành phần quý có hàm lượng cao nhất. Đất sau thu hoạch đã trở nên cằn cỗi nên không được phép trồng nhân sâm trong 10 năm kế tiếp.

“Đối với đại đa số các hộ nông dân, tiêu chuẩn của Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc đã là một điểm chuẩn về sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng KGC còn áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hơn” - ông Ban - một nông dân trồng nhân sâm cho KGC nói.

Việc thu hoạch cũng được giám sát chặt. Nhân viên KGC đến các nông trường để quan sát toàn bộ quá trình thu hoạch nhằm đảm bảo nông dân không lấy trộm hay pha trộn nhân sâm từ nơi khác. Họ cũng theo xe tải chở sâm tới tận nhà máy chế biến để không mất một củ nhân sâm nào. KGC mua sâm của nông dân sau khi thỏa thuận giá, thường cao hơn 50% so với sản phẩm thường.

Quá trình sơ chế trải qua 10 giai đoạn, tuân thủ những quy định khắt khe về an toàn. Trước tiên, sâm được làm sạch bằng sóng siêu âm và áp suất cao, hấp với nhiệt độ và áp suất lớn trong khoảng thời gian tùy thuộc kích thước và hình dạng củ. Sau đó, sâm được phơi khô tự nhiên trong 2-3 tuần rồi cắt tỉa và sắp xếp lại.

Quá trình phân loại được thực hiện trong phòng tối - nơi người ta chiếu đèn lên củ sâm để xác định tỷ trọng và phân loại theo 3 cấp: Thiên (Heaven), Địa (Earth) và Lợi (Good), trong đó Thiên là mức cao nhất. Cuối cùng, sâm được đem đi làm ẩm và đóng gói.

“Chúng tôi tính toán rất nhiều yếu tố như trọng lượng và hình thức khi phân loại sâm, kiểm tra mô và lớp sâm một cách chính xác. Chúng tôi chiếu đèn vào hồng sâm để nhìn thấu cấu trúc bên trong. Các nhân viên giàu kinh nghiệm sẽ căn cứ vào đó để phân loại. Theo tôi, đây chính là một trong những lý do mà khách hàng tin tưởng vào cách phân loại sâm của chúng tôi” - Chang Sung-eui - nhân viên làm việc cho KGC từ năm 1980 nói.

Để giữ thương hiệu, KGC đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, chi 2% doanh thu cho 100 nhà nghiên cứu hàng đầu và một viện nghiên cứu. Các sản phẩm được chế biến phù hợp với nhiều quy định khác nhau của từng nước và đặc biệt đáp ứng khẩu vị của từng dân tộc.

“Chúng tôi cố gắng đa dạng hóa các sản phẩm của mình để bắt kịp với những xu hướng thị trường đang thay đổi nhanh chóng và khẩu vị của nhiều khách hàng” - KGC cho biết.