Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống cây sâm đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro), cho phép sản xuất lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn với chất lượng đồng đều.

Sâm đá có tên khoa học Curcuma singularis Gagnep, là loại dược liệu quý, được người dân địa phương sử dụng để nâng cao sức khỏe, điều trị bệnh thấp khớp, bổ thận,… Trong củ sâm đá có nhiều dược chất có tác dụng y học như polyphenol, alkaloid có khả năng ngừa ung thư, ngừa oxy hóa, ức chế vi sinh vật.

Việc sử dụng sâm đá cho mục đích thương mại và y dược đã làm loài dược liệu này trong tự nhiên không còn nhiều và có nguy cơ tuyệt chủng. Cây sâm đá trong tự nhiên chỉ tồn tại ở một số vùng của tỉnh Gia Lai vào mùa mưa. Phương pháp nhân giống truyền thống trong tự nhiên chủ yếu bằng cách trồng củ và thân ngầm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Ngoài ra, hiệu quả nhân giống thấp, cây giống không đồng đều, không đủ cung cấp nguồn cây giống cho vùng chuyên canh cây dược liệu.

Cây và hoa sâm đá
Cây và hoa sâm đá. Ảnh: NNC

Để nhân giống cây sâm đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro), các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã chọn củ cây sâm đá chắc, khỏe, không bị sâu bệnh làm nguồn mẫu.

Sau quá trình làm sạch và khử trùng, củ sâm được nuôi cấy trên môi trường bán rắn để tái sinh và nhân chồi. Kết quả cho thấy, hệ số nhân chồi đạt 8,1 lần, chiều cao chồi đạt 7,8cm sau 8 tuần nuôi cấy. Những chồi khỏe mạnh được tách ra và chuyển sang môi trường cảm ứng tạo rễ, sau đó trồng ở vườn ươm.

Nhân giống invitro sâm đá
Nhân giống invitro sâm đá. Ảnh: NNC

Với hệ số nhân chồi 8,1 lần, có thể sản xuất 10.000 cây giống trong một năm, chi phí sản xuất (nguyên vật liệu, công lao động, năng lượng) ước tính hơn 3.000 đồng/cây. Cây nuôi cấy mô sau khi được chăm sóc 4 tuần ngoài vườn ươm sẽ đạt kích thước 12cm, có giá khoảng 12.000 đồng/cây. Trong khi đó, giá bán củ giống sâm đá trên thị trường gần 40.000 đồng/củ.

Như vậy, phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM sẽ giúp sản xuất cây giống với số lượng lớn trong thời gian ngắn mà không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Hiện Trung tâm có thể cung cấp hoặc chuyển giao quy trình nhân giống cây sâm đá ở quy mô công nghiệp.