Để biến hàng trăm nghìn túi nilon và bao bì nhựa vứt đi mỗi ngày thành sản phẩm hữu ích và đem lại nguồn thu ổn định cho người lao động, anh Nguyễn Tiến Ước (TP. Thủ Đức) và hai người bạn đã tạo ra một chiếc máy đơn giản giúp cho ai cũng có thể tạo ra các sợi dây nhựa xoắn nguyên liệu cho những món đồ thủ công, đan móc, phụ kiện thời trang đẹp mắt.

Các sợi dây thành phẩm của máy se sợi. Ảnh: NVCC
Các sợi dây làm từ bao bì nilon của máy se sợi. Ảnh: NVCC

Trên mọi nẻo đường ở thành thị và nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng 1-2 bao bì nhựa mỗi ngày. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau một lần sử dụng và đích đến cuối cùng thường không phải là các cơ sở tái chế mà là bãi rác lộ thiên hoặc đại dương.

Nhưng ở một nơi khác gần như tách biệt, các phạm nhân đã biến những chiếc túi nilon thành vật liệu “vạn năng” để tạo ra mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt - từ sợi chỉ, dây phơi, dây buộc đồ, dây cắt, đến các sản phẩm thủ công như móc khóa hình con tôm, con cá, dây chuyền, vòng đeo tay có tên người yêu ở nhà, và cả những chiếc túi xách đan bằng sợi nilon.

Phải nói rằng, sức sáng tạo của con người là cực kì đáng nể, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu thốn. Những người tù rảnh rỗi đã cắt từng chiếc túi nilon thành dải nhỏ, sau đó gấp gọn lại, xoắn nhẹ, buộc một đầu, còn đầu kia kéo từ từ thành các sợi dây nhỏ xíu, đều tăm tắp. Khi chứng kiến những người bạn khéo léo của mình thao tác, anh Nguyễn Tiến Ước nảy ra ý định chế tạo một chiếc máy có thể xe ra những sợi dây nilon bền đẹp tương tự.

Chiếc máy của anh được cấu tạo từ ba phần đơn giản: phần xoắn dây, phần gia nhiệt và phần cuộn dây. Toàn bộ chiếc máy chỉ dùng đến hai mô tơ và một số chi tiết bằng nhôm, gỗ có sẵn trên thị trường. Để vận hành máy, đầu tiên cần cắt các túi có cùng chất liệu hoặc cùng độ hóa dẻo thành những dải mảnh, sau đó nối lại với nhau bằng băng dính, và kẹp vào phần xoắn dây. Dải nhựa sẽ từ từ được xoắn và đi qua bộ phận gia nhiệt (từ 120-160 độ C) để được dẻo hóa và ép lại, khiến các phần nhựa bện chặt vào với nhau. Sau cùng, sợi dây thành phẩm sẽ được cuộn tròn lại ở phần cuộn dây.

Cấu tạo của máy se sợi nilon gồm 3 phần: phần xoắn dây, phần gia nhiệt, phần cuộn dây. Nguồn: NVCC

Trung bình mất khoảng bốn phút để tạo ra một mét dây. Chiếc máy này có thể xe ra các sợi dây từ tất cả các loại bao bì dày như túi mì tôm, túi bánh kẹo, túi bóng kính bọc quần áo, vỏ bọc của các loại chai nước ngọt, đến các loại bao bì mỏng như túi nilon dùng một lần. Sợi dây được tạo ra đảm bảo độ bền cơ học, không bị cứng sợi và có thể uốn thành bất kì hình thù. Thậm chí, người ta có thể bọc các loại bao bì dày ở ngoài và bao bì mỏng ở trong để tạo ra các sợi dây nhựa hai lớp chắc chắn hơn.

Anh Nguyễn Tiến Ước cho biết, phần khó khăn nhất khi tạo ra chiếc máy chính là quá trình gia nhiệt. Vì mỗi loại nhựa có nhiệt độ khác nhau nên nếu gia nhiệt không chuẩn thì các điểm xoắn dây có thể bị dính chảy (nếu nhiệt độ quá cao) hoặc bị duỗi xoắn (nếu nhiệt độ quá thấp). Do các loại túi nhựa thường là phế liệu được tái chế nhiều lần, lẫn nhiều tạp chất nên việc xác định nhiệt độ nóng chảy có thể bị sai số lớn tới 30-40 độ C. Tốc độ kéo xoắn cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên độ bền của dây bởi mỗi loại nhựa sẽ có độ dãn khác nhau khi chịu tác động của lực. Sợi dây càng mảnh thì thao tác của máy càng phải cẩn thận để hạn chế việc đứt gãy giữa chừng.

Để khắc phục tất cả những điều này, anh Ước đã bắt tay với hai bạn sinh viên trẻ có kiến thức về cơ khí kỹ thuật và điện tử viễn thông để lập trình nên một bộ điều khiển nhiệt nhằm kiểm soát quá trình gia nhiệt cho các loại vật liệu nhựa khác nhau như PE, LDPE, HDPE, PP, PET, PVC… Anh tiết lộ, bộ điều khiển này không chỉ được dùng cho máy xe sợi nilon mà còn dùng cho máy in 3D từ nhựa tái chế mà nhóm anh đang sắp sửa hoàn thiện. Một số loại nhựa thông thường không thể sử dụng trong máy in 3D vì nó có đặc tính kết tinh, nhưng bộ điều khiển nhiệt này có thể góp phần giải quyết vấn đề phức tạp đó.

Anh Ước dùng những sợi nilon tạo ra để buộc các khúc gỗ với nhau nhằm tạo ra một mô hình nhà cơ bản. Chúng bền chắc như các sợi dây thừng có cùng kích cỡ. Những người sáng chế cũng bắt đầu gửi các mẫu sợi nilon, sợi nhựa làm từ vỏ gói bánh kẹo của mình tới một vài đội nhóm làm đồ thủ công ở địa phương và nhận được phản hồi tích cực. Một số người thấy hứng thú với các loại sợi này không chỉ vì chúng góp phần bảo vệ môi trường mà còn vì “độ bền”, “chi phí thấp” và “kích thước mảnh, đều đặn hiếm có” của các sợi nhựa tái chế.

Một số đồ thủ công được làm từ sợi plarn (tết bện các túi nilon với nhau) đã xuất hiện ở nhiều nơi. Ảnh: Internet
Một số đồ thủ công được làm từ sợi plarn đã xuất hiện ở nhiều nơi. Ảnh: Internet

Thực ra, những ý tưởng dùng vật liệu túi nhựa làm đồ thủ công đan móc không hề mới mẻ. Chúng đã xuất hiện ở cả Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam, với những chiếc túi nilon nhựa được cắt ra và bện lại thành dây thừng - được gọi là các sợi plarn (plastics + yarn) - để đan móc thành vật dụng. Nhưng đây là lần đầu tiên có một sáng kiến về máy xe sợi để tự động hóa quá trình biến túi nhựa thành sợi dây đan một cách nhanh chóng như vậy.

Vì chiếc máy xe sợi nhựa này rất đơn giản và giá thành cũng phải chăng (từ 1,5 – 2 triệu) nên chúng hoàn toàn có thể phổ biến rộng rãi cho mọi người – đặc biệt là những người nhàn rỗi, làm nghề thủ công tỉ mỉ hoặc những người đang làm việc ở khu vực thu gom rác phi chính thức (đồng nát, ve chai) để tạo thêm thu nhập. Anh Ước tiết lộ: “Chúng tôi không có ý định đăng ký sáng chế hoặc bảo vệ gì cả, mà chỉ mong bất kỳ ai có nhu cầu chúng tôi cũng có thể giúp họ tự chế được máy”.

Nếu được nhân rộng, chiếc máy xe sợi nilon của anh Nguyễn Hữu Ước có thể góp phần cho việc giảm thiểu nhựa ra môi trường.

Trên thực tế, xử lý các túi nhựa luôn là bài toán đau đầu ở Việt Nam. Có rất ít động lực kinh tế để tái chế túi nhựa. Ngay cả những người đồng nát, ve chai cũng từ chối mua các loại bao bì nhựa vì họ không thể bán lại được cho các nhà máy lớn. Những sáng kiến “nâng cấp” (upcycle) để biến các vật liệu phế thải có giá trị thấp thành những thứ có giá trị tiền bạc hoặc giá trị sử dụng cao hơn như thế sẽ tạo cơ hội để bất kì ai cũng có thể kiếm tiền từ việc đối xử có trách nhiệm hơn với bao bì nhựa không còn dùng đến.