Nhóm tác giả ở Viện Sinh học Nhiệt đới đã nghiên cứu và xây dựng quy trình ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (đèn LED) trong nhân giống cây bá bệnh, nhằm tiết kiệm chi phí và chủ động cung ứng lượng lớn trong sản xuất cây giống.

Cây bá bệnh (tên khoa học là Eurycoma longifolia), là loại dược liệu có chứa các hợp chất quý như quassinoid, triterpen, các alkaloid… dùng để chữa các bệnh sốt rét, tiểu đường, kháng viêm, giảm stress, tăng cường miễn dịch, chức năng sinh lý, ngăn ngừa khối u,… Đặc biệt, hợp chất quassinoid có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh nội tiết tố nam testosterone một cách tự nhiên, làm tăng cường sinh lý ở nam giới. Đây là một trong những công dụng được nghiên cứu nhiều nhất ở cây bá bệnh.

Với nhiều công dụng nổi bật, cây bá bệnh đang bị khai thác ồ ạt, mất kiểm soát. Hình thức khai thác chủ yếu là đào lấy rễ, nên số lượng cá thể của loài cây này trong thiên nhiên bị suy giảm nhanh chóng và đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, việc nhân giống và sản xuất cây bá bệnh để cung cấp nguồn dược liệu và bảo tồn loài cây này là rất cần thiết.

Các bộ phận của cây bá bệnh     Ảnh: NVCC
Các bộ phận của cây bá bệnh Ảnh: NVCC

Hiện nay, hình thức nhân giống cây bá bệnh chủ yếu là thông qua hạt. Tuy nhiên, phương pháp này có hệ số nhân giống thấp do số lượng hạt trên cây hạn chế và mỗi năm cây chỉ cho hạt một lần, không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Do đó, Viện Sinh học Nhiệt đới đã thực hiện đề tài “Ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED) lên khả năng nhân giống cây bá bệnh thông qua phôi vô tính”. Qua nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm tác giả đã xây dựng được quy trình nhân giống in vitro thông qua phôi vô tính của cây bá bệnh, tạo cây từ phôi và trồng cây con ở vườn ươm.

C
Sự sinh trưởng của cây trong điều kiện chiếu sáng LED Ảnh: NVCC

Cụ thể, cây in vitro được nuôi cây từ phôi vô tính trong phòng có điều kiện chiếu sáng bằng đèn LED, với tỷ lệ đèn đỏ từ 80%, kết hợp đèn xanh từ 20%, cường độ ánh sáng 30 ± 2 μmol m-2 s-1, nhiệt độ duy trì ở 25 ± 2°C và độ ẩm của phòng đảm bảo từ 70-80%, thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày. Các cây invitro sau 40 ngày trồng ở vườn ươm đều khỏe mạnh, rễ hoàn chỉnh.

Phân tích trên sắc ký lỏng áp suất cao (HPLC) của cây invitro và cây trồng ngoài tự nhiên, đều cho thấy sự có mặt của các hoạt chất như alkaloid, phenolic, carborhydrate,...

Cây trồng ở vườn ươm
Cây trồng ở vườn ươm Ảnh: NVCC

Trong thử nghiệm, các giai đoạn nhân nhanh phôi, giai đoạn tạo cây hoàn chỉnh và giai đoạn sinh trưởng của cây bá bệnh thực hiện dưới ánh sáng LED cho hiệu quả cao hơn đèn huỳnh quang. Cụ thể, hệ số tạo cây từ phôi là 0,44, chiều cao chồi ở cây invitro khi dùng đèn LED là 4,9cm. Trong khi ở đèn huỳnh quang, hai chỉ số này lần lượt là 0,22 và 3,46cm. Ngoài ra, mức độ tiêu thụ điện của đèn LED thấp hơn so với với đèn huỳnh quang 2,4 lần, nên tiết kiệm được chi phí sản xuất. Hiện cây bá bệnh đang được trồng thử nghiệm tại rừng phòng hộ Bình Chánh, Củ Chi (TPHCM), cho tỷ lệ sống gần 70%.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua, góp phần chủ động trong việc sản xuất lượng lớn cây giống bá bệnh; đồng thời tạo tiền đề cho việc xây dựng các mô hình nhân nuôi sinh khối ở các cây dược liệu khác.