Bài thuốc dân gian của người dân tộc Dao đã gợi ý cho TS. Nguyễn Quyết Tiến và các cộng sự ở Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phát triển thành công sản phẩm trị sỏi thận, sỏi mật hiệu quả và có giá thành phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Sỏi thận là một trong những bệnh lý đường tiết niệu phổ biến nhất ở Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi Việt Nam nằm trong “vành đai sỏi” (stone belt) của thế giới - những vùng có tỉ lệ người mắc sỏi thận cao. Ngoài việc gây đau đớn, nếu để lâu, sỏi thận có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm, suy thận, thậm chí là tử vong.
TS. Nguyễn Quyết Tiến. Ảnh: TA
Làm thế nào để điều trị sỏi thận dứt điểm, lại tốn ít chi phí là bài toán đang để ngỏ với các nhà khoa học. Phương pháp điều trị sỏi thận hiện nay thường là mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi qua da. Do các phương pháp này khá tốn kém, trong khi sỏi thận lại là căn bệnh có tỉ lệ tái phát cao (khoảng trên 50%), nên nhiều người đã tìm đến các bài thuốc từ các loại dược liệu cổ truyền để đào thải sỏi qua đường tiết niệu, chẳng hạn như kim tiền thảo. Tuy nhiên, hạn chế của hầu hết các bài thuốc này là chỉ loại bỏ được những sỏi có kích cỡ nhỏ và chủ yếu có tác dụng với sỏi canxi chứ không loại bỏ được hoàn toàn các loại khác, chẳng hạn như sỏi uric do axit thừa lắng đọng gây ra, sỏi struvit - thường do viêm nhiễm đường tiết niệu hay sỏi cystin - thường do bẩm sinh.
Chính vì vậy, dự án “Sản xuất chế phẩm chức năng CAFETASO hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật từ cây cỏ Việt Nam” (2019-2020) do TS. Nguyễn Quyết Tiến, Trưởng phòng Hoạt chất sinh học, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì tập trung vào khả năng loại bỏ sỏi thận và sỏi mật hiệu quả cao. Đề tài đã nhận được những đánh giá tích cực của hội đồng nghiệm thu: “Lần đầu tiên ở Việt Nam, chế phẩm hỗ trợ điều trị sỏi thận và sỏi mật từ lá cà phê chè và cây ngổ trâu được sản xuất thành công ở quy mô pilot, bên cạnh chế phẩm có hoạt tính tương tự là kim tiền thảo. Kết quả này đã đóng góp thêm khả năng lựa chọn sản phẩm điều trị cho các bệnh nhân sỏi thận và sỏi mật”.
Trên thực tế, TS. Nguyễn Quyết Tiến và các cộng sự đã đến với hướng nghiên cứu chế phẩm hỗ trợ điều trị sỏi thận từ cây cà phê chè (Coffea arabica) và cây ngổ trâu một cách khá tình cờ. “Cách đây hơn chục năm, một bạn học viên cao học mà tôi có hướng dẫn có người nhà bị sỏi thận nhưng không muốn phẫu thuật nên đã tìm cách chữa bằng lá cây cà phê chè theo một bài thuốc cổ truyền của người Dao, hơn một tháng sau, bạn ấy kể là đã hết sỏi. Từ đó tôi mới có ý tưởng đề xuất đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về cây cà phê chè vào năm 2008”, anh kể lại.
Sự nhạy bén của một nhà nghiên cứu đã đánh thức tiềm năng của một bài thuốc dân gian quý dường như đang bị lãng quên. Mặc dù thấp thoáng xuất hiện trong các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm chữa trị sỏi thận bằng cây thuốc nam song cây cà phê chè vẫn có phần “lép vế” bên các bài thuốc dân gian trị sỏi thận quen thuộc như kim tiền thảo, mùi tàu, cây râu mèo,...
Hiện đại hóa bài thuốc truyền thống của người Dao
Làm việc ở một đơn vị giàu kinh nghiệm nghiên cứu về các hoạt chất từ thảo dược - Phòng hoạt chất sinh học (Viện Hóa học) là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam chiết xuất thành công hoạt chất artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng để cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị sốt rét, ngay từ ban đầu, TS. Nguyễn Quyết Tiến và các cộng sự đã hình dung ra các công việc cần làm: “Chúng tôi chủ yếu áp dụng các phương pháp sắc ký (sắc ký cột, sắc ký lỏng cao áp hoặc sắc ký lỏng điều chế hiệu năng cao) để phân lập và xác định cấu trúc hóa học các chất trong cây cà phê chè xem có hoạt tính gì giúp điều trị sỏi thận không. Mục tiêu là tìm bằng chứng khoa học của bài thuốc”, anh cho biết.
Nhờ đó, những “manh mối” đầu tiên đã hé lộ: trong lá cây cà phê chè có ba lớp chất chính là phytosterol, glycosit và ancaloit. Nhóm nghiên cứu đã phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của chín chất thuộc các lớp chất kể trên. “Có những chất có hoạt tính rất hay, chẳng hạn như axit 3β-hydroxylup-12-en-28-oic, axit ursolic có khả năng kháng khối u và kháng HIV. Nhưng chất liên quan nhất đến khả năng bài sỏi thận có lẽ là caffein - có tác dụng lên trung ương thần kinh và lợi tiểu”, anh nhận xét.
Tuy nhiên, sau khi dùng cao chiết xuất từ cành lá cây cà phê chè để sản xuất thử nghiệm chế phẩm điều trị sỏi thận, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Mong muốn tạo ra một sản phẩm có hiệu quả cao hơn đã thôi thúc họ nghĩ đến việc kết hợp với một loại cây khác để tăng cường tác dụng. “Chúng tôi chọn cây ngổ trâu, một loại thảo dược dược dân gian dùng chữa sỏi thận. Các tài liệu tham khảo cho thấy, cây ngổ trâu có những lớp chất có hoạt tính giãn cơ trơn, cơ thẳng, tức là giãn cơ ở bàng quang, đường ống tiết niệu,... Do vậy, chúng tôi muốn kết hợp hai cây này, một có tác dụng bài sỏi, một có tác dụng giãn đường ống tiết niệu thì sẽ giúp loại bỏ sỏi thận nhanh hơn, lại giảm đau”, anh phân tích. Nhóm nghiên cứu đã phân lập được tám chất trong cây ngổ trâu, trong đó có hoạt chất enhydrin có tác dụng giãn cơ.
Kết quả thử nghiệm chế phẩm CAFETASO dạng viên nang từ cao chiết cây cà phê chè và ngổ trâu cho thấy họ đã đi đúng hướng: “Khi sản phẩm thử nghiệm mới ra, nhà tôi có mấy người bị sỏi thận, nhưng sợ mổ nên muốn uống thử cái này. Rất mừng là ai sử dụng xong cũng đều đi hết sỏi. Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ đến điều trị sỏi thận thôi, nhưng bất ngờ là có người uống bị cả sỏi thận lẫn sỏi mật, uống xong một thời gian thì cả hai loại sỏi đều hết”, TS. Nguyễn Quyết Tiến kể lại. Những phản hồi tương tự từ các người dùng thử tự nguyện khác đã giúp nhóm nghiên cứu có thêm tự tin về sản phẩm. “Tuy nhiên, sản phẩm có tác dụng phụ là do chứa caffeine khá cao (khoảng 2%) nên ai chưa uống quen thời gian đầu sẽ bị mất ngủ, về sau sẽ hết. Ngoài ra, một số người sử dụng phản ánh là có lúc hơi bị đau quặn, đó là do uống liều quá cao, không theo đúng chỉ dẫn nên sỏi xuống nhanh, tắc đường tiết niệu gây đau. Lúc đó tạm dừng lại, đợi hết đau uống lại bình thường”, anh cho biết.
Việc sản xuất chế phẩm dưới dạng viên nang cũng là ý đồ của nhóm nghiên cứu, sao cho sản phẩm vừa tiện lợi cho người sử dụng, vừa đáp ứng tính thẩm mỹ vì nếu sản xuất dưới dạng viên nén thì “các loại thuốc từ cây cỏ này thường sẽ có màu tối đen, người dùng thường không thích”, TS. Nguyễn Quyết Tiến cho biết. Ngoài nền tảng khoa học và vẻ ngoài “hiện đại”, sản phẩm vẫn giữ lại một đặc tính “truyền thống” của các bài thuốc Nam: “Nó rất lành tính”, TS. Nguyễn Quyết Tiến nhận xét. Độ an toàn của sản phẩm đã được chứng minh qua thử nghiệm độc tính cấp LD50 của chế phẩm ở mức rất lành tính (LD50 ~ 18.5 g/kg). “Chỉ tiêu về độc tính cấp và độc tính bán trường diễn (ảnh hưởng của chế phẩm với các cơ quan nội tạng đều đáp ứng tốt cho người sử dụng”, anh cho biết.
Cần sự bắt tay của doanh nghiệp
Những kết quả nhóm nghiên cứu kể lại nghe có vẻ ngắn gọn đơn giản song thực chất đó là hành trình hơn 10 năm ròng rã: “Để đi đến dự án sản xuất thử nghiệm vào năm 2019, chúng tôi đã trải qua ba cấp đề tài, đầu tiên là đề tài cấp cơ sở năm 2008, đến năm 2011-2012 thì được thực hiện một đề tài cấp Viện Hàn lâm, sau đó chững lại một thời gian đến gần đây mới được thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm chế phẩm CAFETASO”, TS. Nguyễn Quyết Tiến kể lại. “Chúng tôi làm theo thứ tự rất bài bản, từ nhỏ đến lớn, từ nghiên cứu bằng chứng cơ sở của bài thuốc sau đó mới đi đến dự án sản xuất thử nghiệm”.
Với năng lực chuyên môn của nhóm nghiên cứu, công trình này không quá phức tạp và lẽ ra, không kéo dài đến như vậy. “Chúng tôi không làm gì quá mới hay cao siêu cả, chỉ là hiện đại hóa bài thuốc dân gian thôi”, TS. Nguyễn Quyết Tiến nhận xét. “Lẽ ra quá trình này sẽ nhanh hơn, sau khi kết thúc đề tài vào năm 2012, chúng tôi đã dự định hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất, nhưng không bên nào ủng hộ, nên đành phải gác lại”.
Trong khi hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường phản ánh rằng muốn tìm kiếm sản phẩm công nghệ mới nhưng không biết tìm ở đâu trong nước thì tại sao, một sản phẩm tiềm năng như thế này vẫn phải chật vật tìm nơi tiếp nhận? Thực chất, không riêng gì trường hợp của CAFETASO, “khoảng trống” trong chuyển giao công nghệ giữa viện trường và doanh nghiệp cũng là tình trạng chung ở nhiều nơi. Với mục tiêu hướng đến lợi nhuận, rất ít doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận những kết quả nghiên cứu từ các viện trường - hầu hết thường ở dạng chưa hoàn thiện nên cần đầu tư thêm. “Chúng tôi đi liên hệ rất nhiều doanh nghiệp, nhưng chẳng ai làm, họ bảo nếu có quy trình sản xuất sản phẩm cụ thể thì bán cho họ để họ tự làm riêng chứ không muốn hợp tác cùng làm”, anh kể lại.
Bởi vậy, sau khi kết thúc đề tài vào năm 2012, bẵng đến gần chục năm sau, vào năm 2019, TS. Nguyễn Quyết Tiến mới tìm được một doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác là công ty Tinh dầu và chất thơm (Enteroil), vốn xuất phát từ Viện Hàn lâm. “Kinh phí của dự án sản xuất thử nghiệm là khoảng 1,7 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước là 500 triệu đồng, còn lại là doanh nghiệp đối ứng”.
Bước đầu ra ngoài thị trường, chế phẩm CAFETASO đã nhận được những phản hồi tích cực của người dùng - trên trang facebook giới thiệu sản phẩm, nhiều người gửi ảnh kết quả sỏi thận giảm kích thước, thậm chí hết hẳn sau khi sử dụng. Tuy nhiên, với sự tận tâm của nhà nghiên cứu, họ không bằng lòng dừng lại: “Những bằng chứng mà chúng tôi tìm được chưa thuyết phục lắm, chúng tôi vẫn muốn làm thêm để xác định hoạt tính của chế phẩm. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển từ sản phẩm thực phẩm chức năng thành thuốc”, TS. Nguyễn Quyết Tiến cho biết.