Để hình thành một nhà máy thông minh - xương sống của nền sản xuất trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0), các máy móc cần được kết nối một cách toàn diện, không có bất kỳ sự cô lập nào.

Yêu cầu bức thiết hiện nay chính là tạo ra một “ngôn ngữ” hay nền tảng chung cho máy móc.

Năm 2025 mới có nhà máy thông minh thực sự

Các công ty công nghiệp đang phải đối mặt với sự thay đổi sâu rộng. Bắt đầu vào năm 2011, Chính phủ Đức đã tuyên bố chương trình mục tiêu hướng tới Industry 4.0. Tuy nhiên, sự phát triển của sản xuất thông minh vẫn chuyển động chậm chạp. Industry 4.0 vẫn chỉ như một đứa bé đang bước những bước đi chập chững đầu tiên, đặc biệt là ngay trong nhà máy.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Kỹ thuật Đức (VDMA), có hơn một nửa ngành công nghiệp vẫn chỉ ở giai đoạn bắt đầu của quá trình chuyển đổi này. Thậm chí có 2/3 số công ty đang tuyển chọn máy móc và xử lý dữ liệu nhưng chỉ 3/10 trong số đó sử dụng dữ liệu cho quá trình sản xuất tự động.

Công nhân sử dụng kính 3D thông minh trong nhà máy của Volkswagen. Ảnh: Autofreaks

Vậy khi nào nhà máy thông minh mới thành sự thực? Hiệp hội Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin Đức (VDE) dự đoán ít nhất phải tới năm 2025 nhà máy thông minh mới trưởng thành.

Kết nối người lao động

Rất nhiều chuyên gia về Industry 4.0 cho rằng, các công ty ứng dụng Internet of Things (IoT - vạn vật kết nối) sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nền công nghiệp này.

Khi máy móc được kết nối, chúng có thể liên tục truyền dữ liệu sản xuất. Điều đó cho phép máy móc tự động tổ chức và phân tích dữ liệu theo một quy trình đơn giản duy nhất. Các biện pháp khắc phục có thể được thực hiện bắt đầu ngay lập tức nếu dữ liệu đó chệch ra khỏi tiêu chuẩn. Thậm chí, việc sử dụng IoT cho phép kiểm tra trạng thái máy móc và hệ thống sản xuất cũng như khắc phục các vấn đề liên quan đến cấu hình máy từ xa. Giá thành bảo trì sẽ được giảm tới 30%.

“Tuy nhiên, các công ty không chỉ là những hệ thống và máy móc kết nối, mà cần thiết hơn chính là sự kết nối con người. Rất nhiều nhà sản xuất xe hơi đang thử nghiệm các thiết bị đeo trong sản xuất. Mục tiêu là để hỗ trợ nhân viên làm việc” - trích bài phân tích trên T-Systems.com.

Ví dụ, các công nhân Nhà máy Volkswagen sử dụng kính đeo 3D để chọn hàng. Tất cả thông tin cần cho công việc như vị trí sản phẩm hay số ký hiệu thành phần đều được hiển thị trên màn hình của kính đeo thông qua lệnh bằng giọng nói mà không cần phải chạm vào. Camera của kính đeo này còn có thể quét và hiển thị mã vạch một cách chính xác.

Máy móc chưa có ngôn ngữ chung

“Vấn đề nằm ngay ở chỗ sự tương tác số hóa giữa các yếu tố sản xuất khác nhau được kết nối. Tùy thuộc vào nhà sản xuất, tuổi thọ và khu vực, các hệ thống và máy móc lại nói theo những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Một tiêu chuẩn quốc tế - ngôn ngữ Esperanto (ngôn ngữ quốc tế - PV) cơ bản cho máy móc - vẫn chưa được phát triển” - trích bài phân tích trên T-systems.com.

Trong khi đó, để Industry 4.0 hoạt động thì điều quan trọng là không có một mạng lưới máy móc nào bị cô lập. Tất cả chuỗi quy trình - từ sản xuất cho tới khâu vận chuyển và bán hàng - đều cần được kết nối. Dữ liệu cảm biến và máy móc trong hệ thống thậm chí còn phải tham gia quản lý mối quan hệ với khách hàng, quản lý sản xuất và lập kế hoạch.

Thay bằng việc chờ đợi một tiêu chuẩn chung, các công ty cần có tùy chọn các giải pháp nền tảng của mình để dữ liệu trên một thiết bị cụ thể có thể thiết lập theo mô hình dữ liệu ứng dụng cho tất cả. Do vậy, các nhà máy phải chú ý tới các giải pháp công nghệ mở rộng về môđun và cổng kết nối máy móc, kết nối mạng, máy chủ điện toán đám mây, công cụ phân tích dữ liệu và cổng sử dụng trực tuyến. Các nền tảng này cũng đảm bảo truyền thông không bị gián đoạn trong môi trường công nghệ thông tin hiện nay.

Việc làm trong Industry 4.0

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Industry 4.0 có thể khiến hơn 5 triệu người mất việc làm vào năm 2020; nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng những lợi thế và cơ hội mà Industry 4.0 đem lại còn nhiều hơn với số việc làm bị mất. Số công nhân làm việc nặng nhọc, hành chính sẽ giảm nhưng các công việc liên quan đến dịch vụ và khoa học sẽ ngày càng tăng. Những người muốn hưởng lợi từ Industry 4.0 cần có chiến lược khôn ngoan đầu tư vào giáo dục thường xuyên.