Đây chỉ là một trong vô số hình ảnh về sự thay đổi mô hình kinh doanh và thói quen của người tiêu dùng do công nghệ thông tin (CNTT).
Thiết kế ảo, lấy hàng thật
Trong việc mua sắm từ quần áo đến xe cộ, sự lựa chọn của khách hàng không còn bị giới hạn trong các mẫu sẵn có. CNTT cho phép họ tham gia quá trình thiết kế sản phẩm theo sở thích riêng. “Cuối cùng tôi đã tìm thấy những bộ đồ mà tôi thực sự muốn mặc” - nữ khách hàng ở cửa hiệu thời trang Takashimaya nói. Cô đã chọn một thiết kế ảo qua màn hình hiển thị ở cửa hàng. Sau khi có thiết kế ưng ý, đơn hàng của cô được hoàn tất trong 3 tuần.
Khả năng phân tích dữ liệu lớn của CNTT giờ đây như một bộ não thông minh được kết hợp với dây chuyền sản xuất tự động để đáp ứng thị hiếu khách hàng nhanh nhất. Một số mặt hàng công nghệ cao như máy tính xách tay và máy tính bảng tại Công ty Shimane Fujitsu Ltd (Nhật Bản) cũng được làm theo đặt hàng riêng với hàng triệu sản phẩm mỗi năm.
Tại Mỹ, nhà sản xuất môtô Harley-Davidson đã liên kết với SAP - công ty cung cấp nền tảng phân tích dữ liệu - để sắp xếp 1.200 cấu phần của mỗi chiếc xe theo yêu cầu riêng của khách về động cơ, màu sắc, kiểu bánh... Quá trình lựa chọn cho ra một sản phẩm đậm nét cá nhân như vậy chỉ mất 6 giờ thay vì 21 ngày như trước đây.
Một khách hàng đang thử váy ở một phòng thay đồ ảo của Seiren Co. Ảnh: Japantimes
CNTT kết hợp trí tuệ nhân tạo còn giúp nhà sản xuất đoán được khách hàng cần gì để căn chỉnh giữa cung và cầu. “CNTT trong cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa thế giới thực và ảo trong sản xuất, tích hợp đầy đủ công nghệ vào hệ thống sản xuất để tạo ra một nhà máy thông minh có khả năng sản xuất linh hoạt, có sự liên kết kỹ thuật số với mọi thành phần của hệ sinh thái sản xuất, từ nhà cung cấp tới khách hàng” - Mehul Lanvers - Giám đốc của Hannover Milano Fairs India (Ấn Độ) - phân toch.
Mô hình tăng trưởng mới
Trong cơn lốc của CNTT, mô hình tăng trưởng nhờ lao động giá rẻ không còn thống trị. Những tiến bộ công nghệ đang giúp giảm chi phí nhân công, khiến các công ty quốc tế sẽ dần trở lại quê hương mà không cần đi đâu xa. Menicon Co - công ty mắt kính Nhật Bản - đã vận hành một nhà máy ở Kakamigahara vào năm 2015 sau hàng chục năm sản xuất ở nước ngoài.
Nhờ ứng dụng phân tích dữ liệu khách hàng, Menicon có thể dự đoán nhu cầu tiêu dùng, đáp ứng các biến số thị lực và hình dạng nhãn cầu đa dạng của họ. Ở Đức, hãng Adidas AG đưa ra kế hoạch “Nhà máy siêu tốc” để sản xuất nhiều giày nội địa hơn bằng công nghệ robot. Tại Mỹ, Apple Inc đang chuyển sang sản xuất nội địa sau khi triển khai hầu hết các khâu sản xuất ở nước ngoài.
Theo báo cáo của PWC tháng 8/2016, CNTT và các công nghệ tiên tiến giúp các nhà sản xuất giảm 3,6% chi phí thường niên vào năm 2020. Nhờ hạ giá thành, các công ty có thể tự quyết định địa điểm và cách thức đáp ứng nhu cầu khách hàng mà không phải theo mô thức đi tìm lao động giá rẻ.
“Cách mạng 4.0 - với tiến bộ mang tính cách mạng về phân tích dữ liệu và sản xuất thông minh - sẽ thiết lập nền tảng mới cho kinh doanh, giúp kiểm soát sản xuất, tối ưu hóa khâu hậu cần và bảo dưỡng hiệu quả hơn” - trích báo cáo của PWC.