Chàng công nhân chế tạo máy
Nói về mấy “biệt danh” mà hàng xóm láng giềng dành cho mình, Trần Huy Quang cười: “Mấy cái tên đó đã gắn với tôi từ ngày tôi chế tạo thành công máy đánh suốt vải. Ngẫm về duyên nghiệp mới thấy thật kỳ lạ. Ngày bé tôi chỉ nghĩ sau này sẽ cố gắng học lấy một cái nghề để nuôi thân chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người chế tạo máy như thế này”.
Chàng công nhân kỹ thuật 32 tuổi bảo, cơ duyên đó xuất phát từ tính lười của anh: “Làng tôi có nghề truyền thống là dệt vải. Ngay từ thời bé, tôi đã phải một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ giúp bố mẹ đánh suốt vải. Thèm được nghỉ làm, được chơi bời thoải mái với các bạn, hồi đó tôi chỉ ước ao một điều duy nhất là có một cái máy làm công việc này thay cho mình”.
Chiếc máy đánh suốt đầu tiên được Quang chế tạo khi còn là học sinh phổ thông với số vốn “khởi nghiệp” là 300.000 đồng và mớ máy bơm cũ, xích, líp… mà anh gom nhặt được. “Lần đầu ấy đã không thành công, sợi vải đánh ra bị xù. Máy bị đem bỏ xó. Lúc đó thực sự tôi rất nản” - Trần Huy Quang cho biết. Qua cơn nản, chàng trai lại miệt mài tìm tòi cách khắc phục và sản phẩm thứ hai ra đời khi anh đang học chuyên ngành sửa chữa ôtô tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Chiếc máy này hoạt động khá hơn, nhưng vì được làm bằng gỗ nên khá nhanh hỏng.
Trần Huy Quang bên máy xe chỉ khâu bao bì do anh chế tạo. Ảnh: Đ. Dung
“Trải qua hai lần thất bại trong khi hoàn cảnh kinh tế chật vật, nhiều người xung quanh khuyên tôi dừng để giảm thiểu thiệt hại. Ngay cả bố mẹ cũng không tin vào lựa chọn của tôi” - Quang tâm sự. Nhưng anh đã thành công ở lần cố gắng thứ ba, khi tốt nghiệp hệ công nhân kỹ thuật. Chiếc máy đó ban đầu chỉ được sử dụng trong gia đình, rồi người làng biết và đến đặt anh làm. Năm 2006, Trần Huy Quang bán chiếc máy đánh suốt vải đầu tiên với giá 1,1 triệu đồng, tính ra lãi khoảng 300.000 đồng - bằng đúng số vốn anh bỏ ra cho lần thử nghiệm bất thành thời học sinh.
“Thế là tôi không đi xin việc ở cơ quan nào nữa; thậm chí 3 năm sau khi tốt nghiệp mới quay lại trường lấy bằng. Chiếc máy đánh suốt vải mà tôi chế tạo đã được “nhân bản” và sử dụng rộng rãi trong các làng nghề, các công ty dệt - may ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên..., thậm chí cả các công ty may lớn với số lượng lên đến hàng nghìn chiếc” - Quang chia sẻ.
Biệt tài “hễ nhìn thấy là làm được”
Năm 2011, Trần Huy Quang mở xưởng chế tạo máy khi đã có số vốn kha khá. Ngoài máy đánh suốt, anh còn chế tạo một số thiết bị khác dùng trong ngành dệt như máy côn, máy đánh ống, máy kiểm vải, máy xe sợi... Tất cả đều ra đời từ những chuyến đi quan sát thực tế sản xuất tại các làng nghề ở nhiều địa phương.
“Đi bất cứ đâu, quan sát bất cứ công đoạn sản xuất nào, tôi cũng đều đặt ra cho mình câu hỏi là liệu có thể đưa máy móc vào thay thế sức người không, có thể tự động hóa để giải phóng sức lao động không và cố nghĩ ra giải pháp” - Quang chia sẻ.
Trần Huy Quang tự nhận anh có sự nhạy bén đặc biệt đối với máy móc, khi chỉ cần nhìn qua thiết bị trong khoảng 5-10 phút là có thể bắt chước làm được một cái tương tự. Trong lần đến bán máy côn ống cho Công ty dệt - may Nam Sơn (Nam Định), thấy đơn vị này có máy kiểm vải mua của nước ngoài, anh quan sát kỹ với ý định nghiên cứu chế tạo loại máy này và đã thành công. “Nhiều sản phẩm của tôi đã ra đời theo cách đó. Dĩ nhiên năng khiếu quan sát sẽ không phát huy được nếu mình không nắm vững được nguyên lý, chức năng hoạt động chung của máy” - nhà chế tạo máy tâm sự.
Trần Huy Quang khoe mới chế tạo thành công máy xe sợi liên hoàn tự động, giúp mỗi lao động có thể xe đến hơn 100kg sợi trong một ngày, thay vì chỉ 10-15kg như khi xe thủ công hoặc dùng môtơ quay tay. Ông Vũ Thăng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến, Hưng Yên - cho biết: “Gia đình tôi trước đây xe sợi thủ công, 3-4 người chỉ xe được 50kg mỗi ngày. Cũng chừng ấy người, nếu dùng máy xe công nghiệp của Trần Huy Quang thì mỗi ngày làm được 3 tạ và quan trọng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là máy xe liên hoàn, tự động nên không cần nhân công túc trực thường xuyên”.
Nói về dự định tương lai, Trần Huy Quang hào hứng cho biết, anh đang ấp ủ kế hoạch tạo ra các loại máy móc hỗ trợ dùng trong nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng cho các loại quả đặc sản như chuối, nhãn, thanh long... “Thực tế hiện nay, việc trồng cấy của bà con nông dân Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào thời tiết không thuận lợi thì mất mùa. Nếu đưa được những cây đấy vào trồng và chăm sóc trong nhà kính, tỷ lệ đậu quả sẽ cao hơn rất nhiều, đến khi thu hoạch sẽ có máy móc hỗ trợ. Tôi muốn chế tạo loại nhà kính có thể tự tháo lắp với giá thành rẻ, phù hợp với đa số bà con” - nhà chế tạo máy tâm sự.
Ông Trần Tiến Tường - Giám đốc Công ty TNHH dệt - may Hải Sơn, Lý Nhân, Hà Nam:
“Tôi mới mua máy kiểm vải của Trần Huy Quang. So với thiết bị cùng loại của nước ngoài như Trung Quốc hay Hàn Quốc thì máy của Quang rẻ hơn rất nhiều mà chất lượng tương đương. Nếu như máy kiểm vải nhập ngoại giá khoảng 40-50 triệu đồng/chiếc thì máy của Quang chỉ khoảng 5-8 triệu đồng/chiếc. Trước đây công nhân thường gấp vải bằng tay, nhưng với những cây vải to và nặng thì sức người không thể làm được. Thiết bị này giúp giải bài toán đó”.
Ông Vũ Thăng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến, Hưng Yên:
“Tôi là người làm trong lĩnh vực cơ khí đã gần 40 năm nên chỉ cần nhìn người là biết họ có khả năng làm được hay không. Mặc dù chỉ mới tiếp xúc và làm việc với Trần Huy Quang 2 lần nhưng tôi thấy cậu ấy là người thông minh, dám làm, cái gì làm được thì cậu ấy sẽ nói ngay là làm được. Khi đặt hàng, tôi chỉ cần mô tả sản phẩm mình cần là máy xe sợi, Quang đã khẳng định ngay là có thể làm được. Thế là tôi tin tưởng và thực tế, cậu ấy đã không làm tôi thất vọng”. |
Trần Huy Quang sinh năm 1985 tại Lý Nhân, Hà Nam. Với sản phẩm máy đánh suốt, anh nhận giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011 và bằng khen giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2010. Mới đây nhất, Trần Huy Quang nhận giải khuyến tài - Nhân tài Đất Việt năm 2016. |