Với phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hoá chất trong qui trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Cộng đồng dừa châu Á - Thái Bình Dương (APCC) và Philippines.
Ông Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến dừa với nhiều sản phẩm khác nhau như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, kẹo dừa, dầu dừa, than hoạt tính, sơ dừa… Tuy nhiên, hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất và chế biến dừa chủ yếu ở dạng nông hộ qui mô nhỏ, công nghệ cũ, thiết bị thủ công lạc hậu nên năng suất, chất lượng chưa cao, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dạng thô, và kém sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm về dừa của tỉnh Bến Tre mong muốn được đổi mới công nghệ sản xuất VCO hướng tới xuất khẩu” – ông Tân chia sẻ.
Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia - Bộ KH&CN, do TS. Nguyễn Phương, Trung tâm Sinh học thực nghiệm Viện Ứng dụng công nghệ làm chủ nhiệm đã được triển khai nhằm cụ thể hóa các yêu cầu về thiết bị và thông số công nghệ cần thiết cho việc chiết tách VCO đạt chuẩn so với tiêu chuẩn của APCC.
TS Nguyễn Phương và dây chuyền thiết bị.
TS. Nguyễn Phương cho biết, qua khảo sát, đánh giá tính chất vật lý, thành phần hoá học của 2 giống dừa ta và dừa dâu trên 11 tháng tuổi, được trồng phổ biến ở Bến Tre và Phú Yên cho thấy, chất lượng dừa của Việt Nam không thua kém so với thế giới. Tỷ lệ cơm dừa khoảng 29-30%, hàm lượng chất béo trong cơm dừa khá cao 35,52% - 38,12%; hàm lượng axit béo tự do có trong cơm dừa 0,12% - 0,13% (trong 10 ngày đầu lưu trữ).
Từ các thông số kỹ thuật đó, đề tài đã nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ chiết tách VCO không gia nhiệt từ dừa tươi. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu cảm quan, tính chất lý, hóa của VCO thu được qui mô thí nghiệm cho thấy VCO có thể bảo quản được 3 năm trong bao bì thuỷ tinh nâu hoặc chai PET xanh chiều dày 0,5mm trong điều kiện nhiêt độ 150C – 270C, độ ẩm VCO 0,037%. Trên cơ sở đó, đề tài đã nghiên cứu thiết kế, lựa chọn thiết bị và lắp đặt dây chuyền sản xuất VCO bằng công nghệ không gia nhiệt qui mô 1.000 lít/h tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre).
“Với năng suất dây chuyền là 5 triệu lít VCO/năm và khả năng tiêu thụ khoảng 75 triệu trái dừa/năm, việc áp dụng công nghệ trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết của Công ty khi xuất khẩu” – ông Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới nói và cho biết, sau giai đoạn đầu tư, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giới thiệu đến người tiêu dùng, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới hoàn toàn tự tin với công nghệ đang áp dụng. Bước đầu sản phẩm VCO đang được quảng bá cũng như xây dựng thị phần tại các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu…
Ông Thịnh cho biết thêm, hiện nay, doanh nghiệp đang chủ động trong việc dây dựng dự án: “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án đã được Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia thông qua và đang bước vào giai đoạn thực hiện. “Với vai trò chủ nhiệm dự án, doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ cũng như giúp đỡ về mặt thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp kịp thời thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã đặt ra” – ông Thịnh nói.
TS. Phương đề xuất, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường, Chất lượng (Bộ KH&CN) sớm ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia cho sản phẩm VCO, nhằm khẳng định thương hiệu VCO của Việt Nam trên trường quốc tế.