Bà Thủy cũng cho biết thêm: "Vì thế, rất ít bà con tham dự các buổi tập huấn, tuyên truyền của chúng tôi và đến nay - sau 1 năm, vẫn chưa có hộ gia đình, hợp tác xã nào được cấp logo nhãn hiệu chứng nhận".
Từ thịt đến chất thải đều sinh lợi
Huyện
Ba Tri nổi danh với đàn bò lớn và chất lượng tốt nhất tỉnh Bến Tre với
tổng cộng 99.000 con, chiếm hơn một nửa tổng số bò của cả tỉnh.
Ông
Trần Tấn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Chánh, ấp Gò Da, xã
Mỹ Chánh - cho biết, đặc điểm nổi bật của bò Ba Tri là tỷ lệ mỡ thấp
hơn các giống bò ngoại nhập, thịt có màu đỏ tươi và thời gian giữ được
màu sắc này cũng lâu hơn (đồng nghĩa với việc ít thay đổi về độ pH hơn
so với thịt bò ngoại nhập sau 48 giờ tồn trữ trong điều kiện bình
thường).
Về đặc điểm ngoại hình, bò Ba Tri có
đầu dài, trán vồ, tai cúp, vai rộng, chân to, màu lông vàng hoặc đỏ cánh
gián, u cao, yếm dài... Cũng theo ông Trần Tấn Thanh, do được nuôi ăn
bằng nguồn phụ phẩm nông nghiệp và phụ phẩm của làng nghề sẵn có ở địa
phương như cỏ, rơm, cám dừa, bã hèm, gạo lứt, tấm nấu chín... nên bò Ba
Tri có sức khỏe sinh sản tốt, ít mắc bệnh, lượng thịt xẻ cao, ít mỡ,
nhiều khoáng chất, hàm lượng đạm cao.
“Trung
bình mỗi ngày, một con bò giống tăng trưởng từ 1-1,5kg, cao hơn 2 lần so
với các giống bò khác, nhờ đó giá bán cũng cao hơn từ 105.000-110.000
đồng/kg” - ông Thanh nói và cho biết thêm, mặc dù mới thành lập chưa đầy
một năm nhưng Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Chánh đã cung cấp được khoảng
2.000 con bò giống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho rằng, nuôi bò là mô hình giúp giảm số hộ nghèo: “Việc nuôi bò đem lại thu nhập khá cho bà con huyện Ba Tri vì chi phí không cao, chủ yếu tận dụng lúc nông nhàn. Một con bò cái mỗi năm sinh sản một lứa và sau khi trừ chi phí, con bò giống cho lãi khoảng 11-12 triệu đồng. Phân bò được bà con xử lý đem phơi khô, đóng bao rồi bán cho các nhà vườn ở Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Nguyên làm phân bón cho cây công nghiệp với giá 80.000-90.000 đồng/10kg”.
Đeo khuyên tai cho bò
Nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri” được sử dụng cho các sản phẩm bò giống, bò thịt, thịt bò đã chế biến, thực phẩm làm từ thịt bò của địa phương này. Sau gần một năm được cấp nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm bò Ba Tri đã tăng lượng tiêu thụ ở rất nhiều địa phương như An Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, TPHCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Yên, Hưng Yên... Đã có một số tỉnh miền Bắc tiêu thụ các sản phẩm “Bò Ba Tri” như Hưng Yên.
Tuy nhiên theo ông Dương Văn Chương, bà con vẫn còn nhận thức mơ hồ về nhãn hiệu được bảo hộ khi cho rằng không có nhãn hiệu chứng nhận thì họ vẫn đạt mức tiêu thụ như thế.
Lý giải điều này, bà Huỳnh Thị Như Thủy cho rằng, sở dĩ bà con không thiết tha với việc đăng ký sử dụng logo nhãn hiệu chứng nhận“Bò Ba Tri” vì họ nghĩ, lẽ ra khi được bảo hộ nhãn hiệu thì giá bò phải tăng, nhưng thực tế thời gian gần đây giá bò giống lại đang giảm. “Mặc dù trong quá trình tập huấn, chúng tôi giải thích rõ cho bà con rằng không phải nhãn hiệu chứng nhận sẽ làm tăng giá bò mà là giúp sản phẩm giữ được thị trường ổn định sau này”.
Bà Huỳnh Thị Như Thủy chia sẻ về kế hoạch sắp tới: “Chúng tôi sẽ tiến hành đeo khuyên tai cho bò giống con đối với những hộ, hợp tác xã đăng ký tham gia; đồng thời cũng hình thành một cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn, có bao bì đóng gói, bao tiêu đưa vào siêu thị, giúp ổn định giá cho bà con”.
Ông Trần Tấn Thanh cũng kỳ vọng, thời gian tới khi Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Chánh được cấp logo “Bò Ba Tri” cho bò giống, giá mặt hàng này sẽ cao hơn, với mức khoảng 115.000 đồng/ kg bò giống. “Với số lượng đàn bò lớn, việc tăng giá như thế là con số đáng kể, số tiền bán một con bò giống có thể tăng 500.000-1.000.000 đồng”.