Mặc dù mới ra đời chưa đầy một giá, với giá bán 200 triệu đồng nhưng đế này KS Nguyễn Văn Cường, Tân An, Long An đã bán được 20 chiếc máy rửa, thổi khô thanh long.

Dây chuyền rửa thanh long tại vựa thanh long Khải Hoàn (Tiền Giang). Ảnh: NVCC

Tác giả cho biết, phiên bản đầu tiên chỉ có công suất 1,5-2 tấn/h, mức độ làm sạch chỉ đạt hơn 70%: “Nhưng người dân cần quá nên vài chủ vựa vẫn đặt tôi làm. Mỗi vựa dùng xong, họ lại góp ý chỗ nào chưa tốt, chỗ nào cần sửa”.

Sau nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, phiên bản hiện nay có công suất 7 tấn/h với thanh long ruột trắng và 5 tấn/h với thanh long ruột đỏ, độ sạch trên 98%, không làm gãy tai, giập trái, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Công suất máy thấp hơn với thanh long ruột đỏ là bởi loại quả này thường có nhiều vết đốm trên bề mặt hơn so với thanh long ruột trắng, cần để máy chạy chậm lại để rửa kỹ hơn” - KS Cường cho biết. Cơ chế làm sạch của máy là dùng vòi phun sương cao áp, tốc độ rửa được điều chỉnh bằng biến tần.

Máy rửa thanh long thiết kế tiêu chuẩn có chiều dài 13m và 15m. Tuy nhiên, tùy vào yêu cầu của khách hàng, KS Cường có thể điều chỉnh thiết kế để có kích thước phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Kiềng - chủ vựa thanh long Khải Hoàn, Tiền Giang - cho biết, mỗi ngày vựa trái cây của bà rửa khoảng 50 tấn thanh long ruột trắng. Trước đây, bà phải thuê khoảng 100 người thì giờ đây chỉ cần khoảng 20 người, chủ yếu làm công đoạn cho thanh long vào túi, đóng gói. “Có cái máy này, vựa thanh long của tôi tiết kiệm nhiều nhân công lắm. Máy chạy từ 8h đến 23h, công nhân cũng đỡ cực hơn nhiều” - bà Mỹ Kiềng nói.

Theo PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc - Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ, sản lượng thanh long của Việt Nam năm 2014 là 614.346 tấn, trong đó 95% từ 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Với công suất 5-7 tấn/h, vào những ngày cao điểm của mùa vụ thanh long, mỗi chiếc máy rửa và thổi khô của KS Nguyễn Văn Cường có thể xử lý 50-70 tấn thanh long nếu làm việc trong 10 tiếng đồng hồ, mỗi tháng rửa trên dưới 2.000 tấn.