Để tận dụng chất thải phóng xạ từ các khối than chì trong nhà máy điện hạt nhân, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Bristol đã đề xuất kế hoạch khác thường: biến chúng thành kim cương để sử dụng như một loại pin vô cùng bền.
Theo Popular Mechanics (PopMech), “pin kim cương” cực kỳ ổn định và tạo ra dòng điện yếu trong thời gian rất dài. Nhờ đó, chúng có tiềm năng sẽ trở thành người thay đổi cuộc chơi cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế hoặc khoa học, nhất là khi cần được triển khai trong điều kiện môi trường nguy hiểm.
Theo dự kiến, phần lớn các nhà máy điện hạt nhân của Vương quốc Anh sẽ chấm dứt hoạt động trong 15 năm tới. Nhà vật lý Tom Scott của ĐH Bristol tin rằng, đó là cơ hội tốt để xây dựng những nhà máy sản xuất “pin kim cương” ngay tại chỗ, nhằm tiếp nhận và xử lý các đồng vị phóng xạ carbon-14. Đề xuất này làm giảm thiểu đáng kể tính phóng xạ của những vật liệu còn lại, đồng thời giúp công tác quản lý trở nên thuận tiện và an toàn hơn – ông phát biểu trong thông cáo báo chí.
Loại pin kim cương của Đại học Bristol có độ bền lên tới cả ngàn năm.
Cũng theo PopMech, dòng điện phát ra từ pin kim cương có thể tồn tại lâu hơn cả ngàn lần so với các loại pin thông thường.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã cố gắng phát triển các cảm biến cực nhạy để thu nguồn năng lượng (rất nhỏ) từ hiện tượng phân rã phóng xạ,” Scott cho biết. “Hiện tại, dự án mới chỉ đang ở giai đoạn tiên phong, và chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm loại pin này ở những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt như đỉnh núi lửa.”
Nguồn:
Hải Đăng (theo Popular Mechanics)