Đường truyền internet nhanh nhất thế giới vừa được ghi nhận đạt 178 Tb/s – đủ để tải xuống toàn bộ thư viện nội dung của Netflix chỉ trong chưa đầy một giây.
Tốc độ này được xem là không tưởng bởi nó nhanh gấp 17.800 lần so với đường truyền 10 Gb/s cung cấp riêng cho người dùng đặc biệt ở một số nơi như Nhật Bản, Hoa Kỳ, New Zealand, … Ngay cả mạng nội bộ Esnet của NASA với tốc độ lên đến 400 Gb/s cũng không thể so sánh. Ngoài ra, nó còn cho nhiều hệ thống hiện đang được thực nghiệm khác, như tại Úc (44 Tb/s, ứng dụng một loại chip quang tử mới) và Nhật Bản (150 Tb/s) hít khói.
Các kỹ sư tại Đại học University College London (UCL), Xtera (Anh) và KDDI Research (Nhật) đã tìm ra giải pháp khuếch đại cường độ trước khi ánh sáng truyền qua sợi quang, đem lại băng thông lớn hơn rất nhiều so với công nghệ thông thường. “Mặc dù những kết nối với trung tâm dữ liệu đám mây (cloud data-center) tiên tiến nhất hiện nay đã có thể đạt tốc độ 35 Tb/s, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng phát triển các công nghệ mới nhằm tận dụng hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng hiện có để tối ưu hóa băng thông lẫn tốc độ đường truyền,” trưởng nhóm phát triển Lidia Galdino cho biết.
Hầu hết hạ tầng cáp quang hiện tại đều đạt băng thông khoảng 4,5 THz, một số công nghệ mới có thể tiệm cận ngưỡng 9 THz, nhưng giải pháp mới của nhóm đã đưa con số này lên mức 16,8 THz. Cụ thể, các kỹ sư đã phát triển những tập hợp tạo hình hình học (GS) mới, về cơ bản chính là các nguyên mẫu kết hợp tín hiệu làm thay đổi pha, độ sáng và phân cực bước sóng, để “nhét” được thêm nhiều thông tin hơn vào ánh sáng mà không làm các sóng giao thoa với nhau. Điều này được thực hiện bằng cách kết hợp nhiều công nghệ khuếch đại khác nhau thành một hệ thống hybrid.
Đây là tin vui bởi chúng ta sẽ tận dụng được hạ tầng cáp quang đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Thay vì phải lắp mới hàng km dây cáp, điều cần làm chỉ là nâng cấp bộ khuếch đại (lắp đặt sau mỗi 40 – 100 km hoặc có thể xa hơn).
Kết quả này đã được công bố trên tạp chí IEEE Photonics Technology Letters.
Nguồn:
Hải Đăng (theo Đại học UCL)