Năm 2019, nhiều mạng xã hội ‘Made in Vietnam’ lần lượt ra đời như Gapo, Lotus với tham vọng tạo ra một mạng xã hội dành cho người Việt. Sau hơn một năm ra mắt, những mạng xã hội này được đánh giá là chết yểu vì không thấy sủi tăm trên mặt báo hay trong lời truyền miệng của người dùng.
Tháng 7 vừa qua, trong sinh nhật 1 tuổi, Gapo tuyên bố có hơn 4 triệu người dùng. CEO của mạng xã hội này tuyên bố, họ đang đi đúng lộ trình.
Xin được chúc mừng Gapo đã cán mốc hơn 4 triệu người dùng. Nhưng dường như, Gapo không còn xuất hiện liên tục, gây tiếng vang nhiều như thời điểm cách đây một năm?
Năm vừa qua, chúng tôi chủ yếu phát triển theo chiều dọc, nghĩa là tập trung xây dựng các tính năng cơ bản nhất của mạng xã hội, kiểm tra quy trình vận hành, tối ưu các tính năng, xây dựng các cộng đồng người sử dụng theo từng nhóm sở thích, mối quan tâm…
Khi ra mắt sản phẩm chúng tôi triển khai các chương trình rầm rộ để thu hút người dùng. Có như vậy, đội ngũ phát triển mới có dữ liệu để phân tích về hành vi, sở thích cũng những tính năng có thể thu hút và giữ chân họ. Việc tracking dữ liệu (theo dõi) cho đội ngũ phát triển biết, tính năng nào được ưa thích và hay được sử dụng, người dùng có thói quen thao tác trên mạng xã hội ra sao hay các báo cáo sản phẩm lỗi ở đâu, chỗ nào chưa thân thiện với người dùng. Vì vậy, một năm qua, chúng tôi chủ yếu tập trung vào phát triển sản phẩm là chính.
Một tín hiệu đáng mừng cho thấy mạng xã hội hoàn toàn có cửa cạnh tranh với các mạng xã hội đã có, chỉ cần sản phẩm tốt là hồi tháng 4 vừa qua, khi Facebook đăng tải hình ảnh bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, rất nhiều admin các group nhóm cộng đồng đã kêu gọi anh em dùng Gapo. Điều này cho thấy, chúng tôi đã có được vị thế trong cộng đồng người dùng.
Với 150 kỹ sư của mình, Gapo luôn đặt trên vai họ mục tiêu “chứng minh người Việt có thể làm được mạng xã hội phục vụ người Việt”.
Gapo chắc hẳn có nhiều khó khăn?
Khó khăn là một phần không thể thiếu của startup, nên tôi không nghĩ nó là cái khó, chỉ là những thử thách để cả team vượt qua. Về công nghệ, mỗi tính năng nổi bật của Gapo như chat, group chat hay fanpage… đều lớn đến mức có thể tách ra thành một ứng dụng riêng bởi phía sau nó là hệ thống lớn phức tạp. Có nhiều tính năng lúc làm mình nghĩ sẽ nhiều người thích, nhưng đến khi triển khai lại không được như ý, thế là phải chuyển đổi cho linh hoạt. Chẳng hạn như tính năng dùng hashtag chẳng hạn. Đội ngũ phát triển muốn làm để người dùng có thể gom các nội dung cùng một chủ đề và hiển thị lên trang cá nhân của người dùng hashtag đang được sử dụng nhiều. Điều này giúp người dùng biết được, đâu là chủ đề đang được nói đến nhiều. Đến lúc triển khai mới biết hóa ra mọi người không quan tâm lắm. Vì thế, chúng tôi phải thay đổi tính năng này, đưa nó thành các chủ đề đang được quan tâm trên mạng xã hội, như một cách để cung cấp thông tin quan trọng tới cho người dùng.
Mục tiêu của chúng tôi sẽ đạt 50 triệu người dùng vào năm 2023 mà dấu mốc gần nhất là 15 triệu người dùng vào năm 2021.
CEO Gapo Hà Trung Kiên.
Về mô hình công ty, từ hơn 20 người giờ nhân sự đã tăng lên gấp 7 lần. Đôi khi, nó như một mớ bòng bong (cười) vì có quá nhiều việc phải làm. Chuyện làm xuyên đêm ở công ty để kịp deadline trở thành cơm bữa. Một năm qua, để phát triển nhanh, chúng tôi phải bỏ qua nhiều thứ, nhưng giờ đây, mọi thứ đang được tối ưu lại, vì mục tiêu 50 triệu người dùng trong năm 2023.
Anh có nghĩ mục tiêu này là quá tham vọng không, khi Gapo đang có 4 triệu người dùng? Gapo có chiến lược gì để đạt mục tiêu này?
Không, chẳng có gì là tham vọng cả. Vì một năm qua, chúng tôi dồn mọi nguồn lực để phát triển sản phẩm, việc tăng trưởng người dùng chỉ chiếm một phần trong kế hoạch. Chúng tôi tin rằng, khi có được một sản phẩm tốt thì việc tăng trưởng người dùng không phải chuyện quá khó.
Theo kế hoạch, đến quý 4/2020 khi sản phẩm đã hoàn thiện, Gapo sẽ tập trung đẩy mạnh lại việc tăng trưởng người dùng. Có 3 con số mà tôi quan tâm là A30, A50 và A90, tức là số người dùng ở lại với Gapo sau 30, 50 và 90 ngày.
Hiện nay, con số này đang lần lượt là 70%, 50%, 30%. A90 đang khá thấp và chúng tôi sẽ phải cải thiện để đạt mức 50%.
Về chiến lược, Gapo xác định không đối đầu trực tiếp với Facebook mà đi theo thị trường ngách với các nhóm cộng đồng nhỏ rồi lan dần ra. Ví dụ ở Gapo có một tệp khách hàng chơi chọi gà rất thân thiết với khoảng hơn 10 nghìn người. Hội này không sinh hoạt được trên Facebook vì lý do hình ảnh con gà trụi lông được Facebook đánh giá vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nhóm này đang hoạt động sôi nổi, đều đặn tại Gapo.
Từ câu chuyện này, chúng tôi đã xây dựng đội RnD nghiên cứu các chính sách, điều khoản cũng như nhu cầu, sở thích để xây dựng các tính năng locallize (địa phương hóa) cho từng nhóm người dùng và khác biệt của Gapo.
Ngoài ra, Gapo cũng đang giới thiệu cho ra mắt các tính năng như xác nhận tài khoản chính chủ bằng biểu tượng cái khiên sau khi người dùng hoàn thành quy trình định danh, cho phép người dùng chỉnh sửa trang cá nhân theo phong cách, sở thích, cho phép donate (tặng) tiền, quà cho những bài viết hay, livestream thú vị và người nhận có thể quy đổi thành tiền mặt... Điều này sẽ kích thích mỗi người dùng trở thành một người sáng tạo nội dung trên Gapo, tạo ra những content tốt, giúp giữ chân người dùng lâu hơn.
Mạng xã hội có thể là ảo nhưng sân chơi Gapo tạo ra là thật. Sản phẩm tốt người dùng mới ở lại, còn chính sách của chính phủ có ủng hộ, marketing có tốt đến đâu mà sản phẩm dở thì cũng… coi như bỏ.
Xin chân thành cảm ơn anh về những chia sẻ này!