Thiết bị do nhóm tác giả Đại học Y Dược TPHCM nghiên cứu sản xuất, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân chấn thương.

Khung cố định ngoài là một dụng cụ thường được sử dụng trong ngành chấn thương chỉnh hình như điều trị gãy xương hở, khớp giả, cố định sau đục xương sửa trục, kéo dài xương, co rút các khớp,… Các loại khung cố định ngoài do trong nước sản xuất hiện nay là loại thanh thẳng hoặc có ren, nên việc cố định khá phức tạp, kém vững chắc và không nắn chỉnh được xương, nếu xương gãy còn di lệch.

Trong khi đó, khung cố định ngoài dạng khối cặp được sử dụng nhiều trên thế giới, do cấu trúc dễ sử dụng, điều chỉnh gập góc linh hoạt chỉ bằng cách nới lỏng vít khóa, chỉnh góc xong khóa lại, có thể kéo dài ra hoặc nén ép vào hoặc có thể để nén ép động tự do,... Tuy nhiên, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất khung cố định ngoài dạng khối cặp, nên vẫn phải nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài với giá thành khá cao, khoảng 2000 USD/chiếc.

Trước thực tế đó, Đại học Y Dược TPHCM đã triển khai đề tài “Nghiên cứu sản xuất khung cố định ngoài dạng khối cặp và đánh giá kết quả ứng dụng điều trị gãy hở thân 2 xương cẳng chân”.

Sa
Khung cố định ngoài dạng khối cặp do nhóm sản xuất. Ảnh: NNC

Theo đó, PGS.TS Cao Thỉ, Chủ nhiệm đề tài, cùng cộng sự đã sản xuất được khung cố định ngoài dạng khối cặp, với vật liệu chính là nhôm A6061, các chi tiết kết nối là Inox SUS304. Khung có bề ngoài tương tự khung Orthofix, với kích thước chiều dài ngắn nhất là 27,5cm, khi kéo giãn dài nhất là 32cm. Trọng lượng khung không kể dụng cụ căng giãn là 0,6kg, trọng lượng dụng cụ căng giãn là 0,1kg.

Sau khi chế tạo, khung cố định ngoài đã được thử nghiệm về lực cơ học trên máy tính mô phỏng và trên thực nghiệm, cho thấy khung đủ vững chắc tương đương khung cố định ngoài Orthofix và Muller của nước ngoài, hiện đang sử dụng rộng rãi trong chấn thương chỉnh hình.

PGS.TS Cao Thỉ cho biết, sau thực nghiệm, cho thấy khung cố định ngoài dạng khối cặp do nhóm chế tạo, có khả năng chịu lực tốt hơn so với khung cố định ngoài dạng Orthofix. Khung ít biến dạng hơn và ít di lệch hơn trong quá trình thử nghiệm các lực tác động.

t
Thử nghiệm khung trên bệnh nhân chấn thương. Ảnh: NNC

Nhóm cũng đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân bị gãy hở mới thân 2 xương cẳng chân đến sớm trong vòng 48 giờ, tuổi từ 18 trở lên. Các bệnh nhân này đến từ Khoa Chấn thương – chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa Bình Dương, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Thống Nhất-Đồng Nai. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân sử dụng khung cố định ngoài Muller, để so sánh kết quả so với khung cố định ngoài dạng khối cặp do nhóm sản xuất.

Kết quả thu được cho thấy, so với khung cố định ngoài Muller, thời gian đặt khung cố định ngoài khối cặp nhanh hơn, kết quả nắn xương trên Xquang sau mổ và tỉ lệ di lệch thứ phát sau mổ cũng tốt hơn. Ngoài ra, tỉ lệ phải tháo khung do nhiễm trùng chân đinh thấp hơn và thời gian, tỉ lệ liền xương của khung cố định ngoài khối cặp tốt hơn so với khung cố định ngoài Muller.

Bên cạnh đó, việc sử dụng khung cố định ngoài khối cặp còn cho tỉ lệ di lệch thứ phát thấp, có khả năng nắn chỉnh khi có di lệch. Ngoài ra, không có tai biến hay biến chứng nào liên quan đến độ bền cơ học của khung cố định ngoài khối cặp.

Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay. Nhóm tác giả có thể chuyển giao công nghệ để đưa sản phẩm vào thực tiễn.