Piktina huy động được 1 triệu USD từ quỹ đầu tư Touchstone Partners trong vòng hạt giống.

Đội ngũ nhân sự của Piktina. Ảnh: Piktina
Đội ngũ nhân sự của Piktina. Ảnh: Piktina

Được thành lập vào tháng 6 năm nay, Piktina kết nối người mua và người bán đồ cũ, nhắm mục tiêu đến những cá nhân muốn dọn dẹp tủ quần áo của mình lẫn các doanh nghiệp chuyên về các mặt hàng thời trang đã qua sử dụng.

Nền tảng do hai cựu giám đốc điều hành của Be Group - công ty phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ “Be" - là bà Nguyễn Hoàng Phương và bà Trịnh Thanh Huyền thành lập, với nguồn cảm hứng từ Depop - một nền tảng mua bán quần áo cũ được mua lại với giá 1,6 tỷ USD vào năm 2021.

Tương tự Depop với 90% người dùng ở độ tuổi dưới 26, tại Việt Nam, Piktina nhắm đến đối tượng Gen Z muốn tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng quần áo secondhand. Startup này cho biết, ước tính đến năm 2026, giá trị cộng dồn của các mặt hàng thời trang secondhand tại Việt Nam có thể rơi vào khoảng 5 tỷ USD.

Piktina cũng lưu ý rằng việc giới trẻ Việt Nam chuyển sang mua sắm quần áo đã qua sử dụng không chỉ vì lý do tài chính mà còn vì sự sành điệu và độc đáo, không bị đụng hàng - trái ngược với xu hướng thời trang ăn liền (fast-fashion: những món đồ lấy ý tưởng từ các xu hướng thời trang mới nhất, được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng và bán cho người tiêu dùng).

Thời gian qua, Piktina đã có nhiều dự án kết hợp với các nhãn hàng khác nhau, từ chiến dịch “Biến cũ thành cool" với nhãn hàng Comfort; sự kiện ngày hội đổi đồ "Dare 2 Rewear" với ứng dụng đặt đồ ăn Baemin; cho đến phối hợp với thương hiệu thời trang Môi Điên ra mắt bộ sưu tập mang tên “THỨC” với mong muốn truyền cảm hứng cho khách hàng trong việc tiêu dùng thông minh, tái chế sản phẩm cũ, giảm thiểu rác thải thời trang nhưng vẫn hài hoà về tính thẩm mỹ.

Đại diện Piktina cho biết Piktina sẽ sử dụng nguồn vốn mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và cải tiến mô hình kinh doanh. Công ty hiện tính phí hoa hồng 20% ​​cho mỗi giao dịch thành công. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của người mua, trong trường hợp người bán huỷ đơn hàng, xác nhận đơn hàng nhưng không gửi hàng, hàng bị trả về do không đúng với hình ảnh hoặc mô tả sản phẩm, người bán sẽ phải trả phí phạt từ 100.000 - 500.000 đồng tuỳ từng trường hợp.

"Tái sử dụng là một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn, và chúng tôi tin rằng giải pháp của Piktina sẽ đóng vai trò dẫn đầu, giúp ngành thời trang trở nên bền vững hơn," quỹ đầu tư Touchstone Partners chia sẻ lý do đầu tư vào Piktina trên trang Facebook của mình.

Xu hướng tận dụng trong ngành thời trang đang trở nên phổ biến khắp châu Á. Gần đây, tập đoàn Naver của Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua lại Poshmark, một nền tảng thương mại điện tử về thời trang đã qua sử dụng được niêm yết trên sàn NASDAQ, với giá khoảng 1,2 tỷ USD. Trước đó, vào năm 2020, Naver đã đầu tư vào Carousell - nền tảng mua bán hàng hóa đủ loại cả mới lẫn cũ.

Nguồn: