Khan Academy Tiếng Việt vừa chính thức ra mắt giai đoạn 1 với môn Toán tiểu học và dự kiến sẽ ra mắt các môn còn lại trong giai đoạn 2, tạo cơ hội học tập miễn phí theo chuẩn quốc tế cho học sinh Việt Nam.
Khi sáng lập Khan Academy năm 2008, nhà giáo dục người Mỹ Sal Khan đưa ra một triết lý "Miễn phí trọn đời cho tất cả mọi người" (For free. For everyone. Forever). Đến nay, nền tảng giáo dục trực tuyến này đã trở thành địa chỉ thu hút hơn 120 triệu người dùng mỗi năm tại hơn 190 quốc gia.
Tháng này, Khan Academy chính thức ra mắt phiên bản
Khan Academy Tiếng Việt (KATV), sau 2 năm phát triển và thử nghiệm. Hơn 170 tình nguyện viên và chuyên gia đã
cống hiến hơn 10.000 giờ làm việc để Việt hoá và chuyển ngữ các học liệu trên Khan Academy.
Hiện nay trên KATV đã có khóa học Toán tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Dự kiến, chương trình toán THCS và THPT sẽ được hoàn thiện vào giữa năm 2022 và các chương trình khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) vào cuối năm 2023.
GS. Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhận định: "Cách mạng công nghệ và internet đã làm thay đổi rõ rệt việc học và tự học. Tài nguyên miễn phí như Wikipedia, Khan Academy cho phép mọi người tiếp cận với hệ thống thông tin, bộ bài giảng ngày càng đầy đủ và có chất lượng. Nhờ vào đó, việc học của mỗi người trở thành một công việc trọn đời để cải thiện chất lượng công việc, để có thêm hiểu biết về thế giới, xã hội và có thể đem lại niềm vui trọn vẹn cho cuộc sống của mỗi chúng ta."
Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19, KATV đã thử nghiệm nền tảng với nhiều học sinh dưới sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô và nhà trường.
"Điểm đặc biệt là khi đăng ký tham gia, học sinh có thể chọn học bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Do vậy, những bạn muốn rèn luyện ngoại ngữ sẽ có cơ hội tiếp xúc sớm với các thuật ngữ, chương trình dạy bằng ngôn ngữ khác", đại diện của tổ chức phi lợi nhuận The Vietnam Foundation (VNF), đơn vị triển khai dự án KATV, chia sẻ.
Đó là lý do mà Nguyễn Nguyên Khoa, một học sinh mới 11 tuổi tại TPHCM đã “cày” hết chương trình Toán lớp 10 bằng tiếng Anh trên Khan Academy chỉ trong vòng vài tháng. Không những thế, em còn mở các lớp hướng dẫn học Toán trên đó để chia sẻ tinh thần tự học với hơn 500 học sinh khác trên cả nước.
Theo một cách khác, các giáo viên ở Trường tiểu học Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh đã tận dụng KATV để thí điểm
mô hình lớp học đảo ngược- cho học sinh xem trước bài học qua video và tài liệu trực tuyến, sau đó dành thời gian trên lớp để thảo luận với thầy cô và bạn bè về các vấn đề xung quanh nội dung học.
“Nền tảng giáo dục Khan Academy Tiếng Việt là một minh chứng về việc sở hữu tri thức là thuộc về mọi người, còn cách sở hữu như thế nào là của mỗi người", TS. Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định.
Đại diện của VNF cho biết, ở Việt Nam, Khan Academy hiện có hơn 10.000 học sinh, 1.500 giáo viên, hướng dẫn và 1.300 phụ huynh tham gia. Con số này đã tăng từ 6-8 lần so với năm ngoái, trước khi việc học online do dịch bệnh trở nên phổ biến và nền tảng KATV được triển khai.
Vừa qua, Khan Academy Tiếng Việt đã chính thức ký kết hợp tác với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, và Bộ GD&ĐT để phát triển hơn nữa cơ hội giáo dục bình đẳng với chất lượng quốc tế tại Việt Nam.