Đầu tháng 12, sự kiện khởi nghiệp công nghệ nổi tiếng thế giới Slush tại trung tâm triển lãm Messukeskus Helsinki, Phần Lan, đã trở lại sau một năm gián đoạn do đại dịch. Sự kiện được tổ chức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, thu hút khoảng 8.000 người tham dự trực tiếp từ khắp nơi trên thế giới.

Robot giao hàng Starship được trưng bày tại Slush. Ảnh: Samuli Pentti
Robot giao hàng Starship được trưng bày tại Slush. Ảnh: S. Pentti

Sân khấu cho những nhà khởi nghiệp

Slush năm nay thiết kế hai sân khấu mà mọi người có thể tham dự. Thứ nhất là Founder Stage – nơi mà các nhà sáng lập từ startup hoặc dự án tham vọng nhất có thể chia sẻ suy nghĩ, quan điểm riêng của mình về nghệ thuật xây dựng công ty, cũng như kinh nghiệm trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, mở rộng thị trường, thiết lập quan hệ đối tác, điều hành nội bộ và đối mặt với thất bại của mình. Đã có hơn 30 phiên thuyết trình của các nhà sáng lập, mỗi phiên kéo dài từ 20-30 phút, nâng tổng thời gian của sân khấu này lên gần 15 tiếng.

Thân mật hơn là Amphitheater, một sân khấu 'giảng đường' mang hình thức trò chuyện. Các diễn giả - chủ yếu là startup và các nhà đầu tư – đã bàn luận nghiêm túc đến nhiều vấn đề, từ thu hút vốn đầu tư, nhân sự, đến các chính sách, cơ sở hạ tầng công nghệ cần có cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực sắp tới như xe tự lái, máy tính lượng tử, NFT, Net Zero...

Tại sân khấu Slush 2021. Guillaume Pousaz, CEO của công ty thanh toán kỹ thuật số Checkout, chia sẻ về việc xây dựng một doanh nghiệp quy mô lớn mà không cần huy động vốn bên ngoài. Ảnh: Future.
Tại sân khấu Slush 2021. Guillaume Pousaz, CEO của công ty thanh toán kỹ thuật số Checkout, chia sẻ về việc xây dựng một doanh nghiệp quy mô lớn mà không cần huy động vốn bên ngoài. Ảnh: Future.

Đằng sau hai sân khấu dành cho đông đảo công chúng là các buổi cố vấn riêng cho startup. Tất cả các diễn giả nổi tiếng có mặt tại Slush đều cam kết dành ít nhất 1 tiếng để tư vấn cho những doanh nghiệp có nhu cầu, do vậy các công ty khởi nghiệp có tới 130 giờ cố vấn.

"Có một nhu cầu rõ ràng về tương tác trực tiếp trong thế giới khởi nghiệp”, Miika Huttunen, Giám đốc điều hành của Slush, nói. “Có vẻ như chúng ta đang kết nối hơn bao giờ hết, nhưng sự thật là một số điều không thể đạt được từ xa. Chia sẻ những thăng trầm với các đồng nghiệp, nhận và đưa ra lời khuyên, và có các cuộc gặp tình cờ là điều cần thiết cho hành trình của mọi nhà sáng lập. Slush tạo ra môi trường mà những điều như thế sẽ xảy ra dưới cùng một mái nhà trong hai ngày”

Khoa học làm nở rộ kinh doanh

Các nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân tại Slush nổi tiếng với việc đem lại những phát minh thú vị cho thị trường từ năm này qua năm khác. Tâm điểm triển lãm năm nay là những dự án đột phá như xe bus tự lái của Sensible4, robot giao hàng mini của Robot Starship, và ống nghe thông minh cho bác sĩ của VitalSigns - một startup sắp được tách ra từ Đại học Aalto.

Các nhà nghiên cứu nói rằng Slush cung cấp một nền tảng nở rộ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học. Đối với họ, tháng 12 của Slush chính là cơ hội vàng để tìm kiếm đối tác, doanh nhân và các nhà đầu tư mới.

Năm nay, Đại học Helsinki đem đến triển lãm 5 công ty spinout dựa trên khoa học và 12 dự án đổi mới sáng tạo đang ở giai đoạn đầu của thương mại hóa, bao gồm các công nghệ cho phép sử dụng dữ liệu sức khỏe một cách an toàn, hệ vi sinh vật kích thích hệ thống miễn dịch, màng bọc giảm lãng phí thực phẩm, ứng dụng tự động hóa quá trình tính toán lượng khí thải carbon, và các phương pháp điều trị bệnh về não.

Từ nhiều năm nay, Đại học Helsinki đã thành lập một công ty dịch vụ đổi mới sáng tạo mang tên HIS với nhiệm vụ giúp các nhà nghiên cứu của mình đánh giá ý tưởng, tìm nguồn tài trợ, cấp phép, đăng ký bằng sáng chế và thành lập các công ty spinout. Trong các sự kiện của Slush, HIS luôn là cái tên quen thuộc đem đến nhiều gian trưng bày thu hút nhà đầu tư. Ảnh: Đại học Helsinki
Từ nhiều năm nay, Đại học Helsinki đã thành lập một công ty dịch vụ đổi mới sáng tạo mang tên HIS với nhiệm vụ giúp các nhà nghiên cứu của mình đánh giá ý tưởng, tìm nguồn tài trợ, cấp phép, đăng ký bằng sáng chế và thành lập các công ty spinout. Trong các sự kiện của Slush, HIS luôn là cái tên quen thuộc đem đến nhiều gian trưng bày thu hút nhà đầu tư. Ảnh: Đại học Helsinki

“Những đổi mới và khởi đầu mới thường được khơi dậy bởi những kết nối và hiểu biết đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, kết quả không ngẫu nhiên xảy ra; đúng hơn, những người phù hợp phải đến với nhau vào đúng thời điểm” Phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm về nghiên cứu và đổi mới tại Đại học Helsinki, bà Paula Eerola, cho biết.

Cơ hội khởi nghiệp cho người tị nạn

Có một điểm nhấn đặc biệt nữa tại Slush 2021, đó là việc ra mắt quỹ hỗ trợ người tị nạn khởi nghiệp Startup Refugees. Đây là công ty đầu tiên và duy nhất ở Phần Lan hỗ trợ người tị nạn, những người sáng lập nhập cư và các công ty giai đoạn đầu của họ. Khởi động từ năm 2015, đến nay Startup Refugees đã có 380 người tị nạn tham gia vào các khóa học khởi nghiệp và góp phần thành lập nên 52 công ty.

Quỹ Startup Refugees ra mắt tại Slush 2021  Ảnh: M. Pirinen
Quỹ Startup Refugees ra mắt tại Slush 2021 Ảnh: M. Pirinen

"Chúng tôi tin rằng những người tị nạn và những người mới đến khác mang lại tiềm năng kinh tế và con người to lớn cho đất nước. Với các hỗ trợ phù hợp vào đúng thời điểm, họ có thể xây dựng cuộc sống của riêng mình và khai thác tiềm năng kinh doanh mà họ mang theo”, Elisa Vepsäläinen, giám đốc điều hành của Startup Refugees, cho biết.

Còn theo Thời báo Helsinki, việc ra mắt quỹ hỗ trợ này đã thách thức huyền thoại phổ biến trong giới startup về "ba chàng trai da trắng xây dựng một công ty khởi nghiệp trong nhà để xe" và đa dạng hóa hệ sinh thái khởi nghiệp của Phần Lan.

Một năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm Phần Lan

Năm 2021, các công ty khởi nghiệp Phần Lan đã huy động được số tiền đầu tư mạo hiểm kỷ lục gần 1 tỷ euro. Hơn một nửa số tiền này đến từ các nhà đầu tư mạo hiểm, trong số đó, gần 1/3 là của các nhà đầu tư trong nước.

Tại Slush, một số công ty Phần Lan đã công bố thương vụ nổi bật của mình, gồm:

• Công ty thực tế ảo Metaverse Varjo nhận được 20 triệu euro tài trợ từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) để mở rộng công nghệ nhập vai tiên tiến cho các ngành công nghiệp.

• Công ty dịch vụ phát trực tuyến đầu tiên của Phần Lan Singa gọi được 4,4 triệu euro từ các nhà đầu tư mà dẫn đầu là những nghệ sĩ và hãng thu âm lớn của quốc gia.

• Nền tảng quản lý lực lượng lao động Quinyx đã huy động được 50 triệu USD trong vòng tài trợ mới nhất do quỹ mạo hiểm Battery Ventures dẫn đầu.

• Hai startup nổi bật của Đức và Phần Lan là MOOVE và Sensible4 bắt tay hợp tác về phát triển xe tự lái. Chiếc xe đã ra mắt tại sự kiện khởi nghiệp Slush, có thể tùy chỉnh để chở tới 19 hành khách.

• Công ty in ấn theo yêu cầu Printify huy động được tổng cộng 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series A từ những nhà đầu tư thiên thần và nhà sáng lập đến từ Baltics và Thung lũng Silicon.

• Nền tảng phần mềm trả lương tự động theo thời gian thực Pento huy động được 35 triệu USD trong vòng Series B do nhà đầu tư Tiger Global và Avid Ventures dẫn dắt.

• Trang thương mại điện tử thuê và mua bán xe điện Carla huy động được 10 triệu euro trong vòng tài trợ Series A.

• Studio trò chơi MMO Mainframe huy động được thêm 20,3 triệu euro từ quỹ đầu tư Mỹ Andreessen-Horowitz và các đối tác, trở thành studio trò chơi châu Âu đầu tiên do quỹ mạo hiểm nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử này tài trợ.

• Công ty phần mềm dạng dịch vụ Vainu nhận đầu tư 4 triệu euro từ công ty đầu tư Round2 Capital của châu Âu.

• Nền tảng mua hàng dựa trên ngữ cảnh NinaData huy động được 2 triệu USD để giúp các thương hiệu kết nối với khán giả trong một môi trường bảo mật bằng cách áp dụng công nghệ AI độc quyền.