Writerbuddy.ai, công cụ viết nội dung trực tuyến, vừa công bố danh sách 10 công cụ trí tuệ nhân tạo được sử dụng nhiều nhất trong năm 2023. Cái tên đầu tiên chắc hẳn ai cũng đoán được.
Writerbuddy.ai đã sử dụng SEMrush, một phần mềm SEO phổ biến, để xác định những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng nhiều nhất trong năm (từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023) trong số hơn 3.000 công cụ được khảo sát.
Nhìn chung, 50 công cụ AI hàng đầu đã thu hút hơn 24 tỷ lượt truy cập, hơn 2/3 trong số đó là người dùng nam. Đa số (63%) người dùng công cụ AI truy cập qua thiết bị di động.
Dưới đây là top 10 công cụ AI phổ biến nhất, theo bảng xếp hạng:
1. ChatGPT
Danh mục công cụ: AI chatbot
Tổng lượt truy cập: 14,6 tỷ lượt
2. Character.ai
Danh mục công cụ: AI chatbot
Tổng lượt truy cập: 3,8 tỷ lượt
3. Quillbot
Danh mục công cụ: AI viết lách
Tổng lượt truy cập: 1,1 tỷ lượt
4. Midjourney
Danh mục công cụ: AI tạo hình ảnh
Tổng lượt truy cập: 500,4 triệu lượt
5. Hugging Face
Danh mục công cụ: Khoa học dữ liệu
Tổng lượt truy cập: 316,6 triệu lượt
6. Bard
Danh mục công cụ: AI chatbot
Tổng lượt truy cập: 241,6 triệu lượt
7. NovelAI
Danh mục công cụ: AI viết lách
Tổng lượt truy cập: 238,7 triệu lượt
8. Capcut
Danh mục công cụ: AI tạo video
Tổng lượt truy cập: 203,8 triệu lượt
9. Janitor AI
Danh mục công cụ: AI Chatbot
Tổng lượt truy cập: 192,4 triệu lượt
10. Civitai
Danh mục công cụ: AI tạo hình ảnh
Tổng lượt truy cập: 177,2 triệu lượt
Trong số các công cụ AI này,
ChatGPT có khả năng thực hiện nhiều chức năng, từ lập kế hoạch hoạt động cho đến viết lý lịch chi tiết.
Bard và
Quillbot cũng có thể tóm tắt và viết lại các đoạn văn, mặc dù không phổ biến như ChatGPT.
Lượt sử dụng theo danh mục
Xét theo số lượng công cụ, danh mục "AI tạo hình ảnh" là lớn nhất với 14/50 công cụ AI được truy cập nhiều nhất.
Tiếp theo, danh mục "AI chatbot" có 8 công cụ, trong khi "AI viết lách" có 7 công cụ.
Cả hai danh mục "AI tạo video" và "Giọng nói & Âm nhạc" đều có 5 công cụ mỗi loại.
Danh mục "Thiết kế" có 4 công cụ.
Còn lại là danh mục "Khác", với 7 công cụ.
Mặc dù chiếm số lượng nhỏ (16%) trong tổng số các công cụ AI hàng đầu nhưng các AI chatbot lại tạo ra tỷ lệ lưu lượng truy cập áp đảo, bỏ xa lưu lượng của các danh mục công cụ khác như AI viết lách, AI tạo hình ảnh, AI tạo video...
Điều này có thể giải thích bởi các công cụ chatbot phổ biến nhất như ChatGPT và Bard được sử dụng cho nhiều mục đích như:
- Viết lách và sáng tạo nội dung
- Giáo dục và cung cấp kiến thức nền
- Dịch thuật và phiên âm
- Động não và hỗ trợ lập kế hoạch
- Đề xuất sản phẩm
- Nhập và xử lý dữ liệu
- Các loại phân tích khác
Vì hầu như công việc nào cũng có thể sử dụng chatbot AI để nâng cao năng suất, do đó danh mục này tạo ra nhiều lưu lượng truy cập nhất với19,1 tỷ lượt.
Các công cụ AI viết lách chuyên dụng cũng thu hút được 1,7 tỷ lượt trong cùng giai đoạn.
Xếp sau là AI tạo hình ảnh với 1,6 tỷ lượt truy cập. Điều này cũng không gây ngạc nhiên lớn vì sự xuất hiện của AI tạo hình ảnh như Midjourney đã gây ra cơn sốt trên các lĩnh vực khác nhau.
Các AI tạo video và các công cụ giọng nói và âm nhạc xếp cùng thứ hạng - cả hai đều có khoảng 0,4 tỷ lượt truy cập trong khoảng thời gian khỏa sát.
Cuối cùng, danh mục Khoa học dữ liệu tạo ra 0,3 tỷ lượt truy cập.
Tất cả các danh mục AI khác cộng lại tạo ra 0,7 tỷ lượt truy cập.
Việt Nam: Tăng cường học AI trong cộng đồng
“Bình dân học AI”, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên dạy kỹ năng AI cho người từ các cộng đồng yếu thế và những người quan tâm đến AI ở Việt Nam, đã triển khai một loạt lớp học trực tuyến miễn phí từ tháng 9/2023.
Họ dạy mọi người cách sử dụng công cụ ChatGPT để tạo ra chatbot bán hàng, bài post quảng cáo, và các bản tóm tắt sách; dùng công cụ Midjourney để vẽ tranh minh họa, thiết kế nội thất và sáng tác truyện tranh, và dùng một số công cụ AI khác để phân tích dữ liệu kinh doanh và quản lý hàng tồn kho.
“Nếu chỉ sử dụng AI cho mục đích giải trí, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền, nhất là khi bạn không có bằng cấp cao hoặc công việc hào nhoáng”, Lan Anh, một freelancer từng tham gia lớp học của cộng đồng, chia sẻ với Khoa học & Phát triển.
Cô cho biết, có rất nhiều cộng đồng hoặc lớp học trực tuyến giúp mọi người sử dụng công cụ AI trong công việc, và điều tuyệt vời là tất cả đều dễ dàng tiếp cận (qua Youtube, Facebook, Google…) và đa phần đang miễn phí.
Anh Lê Công Thành, một trong những người sáng lập cộng đồng “Bình dân học AI” nói với Khoa học & Phát triển hồi tháng Chín rằng với mỗi người theo học các lớp học AI miễn phí, họ chỉ có một yêu cầu là sau khi học xong, học viên hãy cố gắng dạy lại cho người khác.
Với họ, việc người lao động biết cách sử dụng AI cũng giống như phong trào xóa mù chữ trong toàn dân trước đây do AI rất quan trọng đối với cuộc sống hiện đại.
Cộng đồng này đặt mục tiêu hướng dẫn được 1 triệu người Việt Nam biết sử dụng câu lệnh prompt để điều khiển các dạng AI hiện đại vào cuối năm 2024.