VinBigdata thuộc tập đoàn VinGroup mới đây đã mở đăng ký cộng đồng cho ViGPT nhưng giới hạn cho 1.000 người trải nghiệm đầu tiên. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc làm chủ công nghệ AI tạo sinh của Việt Nam.

Ra mắt ViGPT phiên bản cộng đồng cuối tháng 12/2023. Ảnh: VinBigdata
Ra mắt ViGPT phiên bản cộng đồng ngày 28/12/2023. Ảnh: VinBigdata

Cuối tháng 12 vừa qua, ViGPT đã chính thức trình làng một phiên bản dành cho doanh nghiệp (trả phí) và một phiên bản dành cho cộng đồng (miễn phí).

Phiên bản doanh nghiệp được tích hợp trong nền tảng trí tuệ nhân tạo VinBase 2.0 – nơi đang tích hợp nhiều giải pháp AI tạo sinh khác của VinBigdata như ứng dụng nhắn tin và trao đổi tự động ViChat, ứng dụng gọi điện trao đổi tự động ViVoice, và trợ lý ảo ViVi.

Phiên bản cộng đồng có thể được trải nghiệm trên website https://landing.vigpt.vinbigdata.com/. Tuy nhiên, hiện tại người dùng chỉ có thể đăng ký sẵn tài khoản và tham gia hàng chờ, vì VinBigdata mới mở đăng ký cho 1.000 người đầu tiên.

Theo thông báo, hiện đang có ít nhất 22.300 lượt đăng ký. Thử nghiệm cộng đồng mở đến hết ngày 10/1, sau đó đội ngũ VinBigdata sẽ đóng cửa để tinh chỉnh và cung cấp miễn phí cho các đơn vị phi lợi nhuận có nhu cầu (đơn vị sử dụng chỉ chi trả chi phí tài nguyên liên quan).

ViGPT được xây dựng trên 600GB dữ liệu tiếng Việt tinh chỉnh lấy từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nó có thể xử lý thông tin trong các lĩnh vực đặc thù như pháp luật, lịch sử, văn hóa, danh nhân, danh lam thắng cảnh hay đặc trưng vùng miền của Việt Nam.

Theo VinBigdata, quyết định dấn thân vào cuộc đua AI tạo sinh trong thời gian gấp rút (9 tháng), hơn nữa lại bắt đầu nghiên cứu từ công nghệ lõi sâu nhất là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) là một lựa chọn liều lĩnh. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển vẫn quyết tâm làm chủ công nghệ AI này vì “những bài toán của người Việt nếu không phải người Việt làm thì ai làm?”

Trên thực tế, Tiếng Việt là ngôn ngữ ít phổ biến (low-resource language). Về lâu dài, những thông tin tri thức Việt khó có thể được đầu tư và cải tiến nhiều trong các sản phẩm của nước ngoài như ChatGPT hay Bard,… Việt Nam cần sản phẩm công nghệ sử dụng dữ liệu của riêng mình để phục vụ các mục đích như tham vấn thông tin, cung cấp tri thức và sáng tạo nội dung đặc trưng với tiếng Việt.

Trong giai đoạn đầu ra mắt, ViGPT chắc chắn không thể tránh khỏi một số sai lệch, bởi bản chất cố hữu của công nghệ AI tạo sinh. Sau một tuần trải nghiệm cộng đồng, một số người thử nghiệm ban đầu đã phản hồi về ưu và nhược điểm của ViGPT, bao gồm các ưu điểm như giao diện thân thiện, tốc độ phản hồi ổn, câu từ chính xác, nội dung truy vấn các thông tin trong lĩnh vực cụ thể (lịch sử, địa lý, danh nhân, pháp luật v.v) chính xác.

Tuy nhiên, ViGPT phiên bản V1.0 cộng đồng cũng có những điểm chưa thỏa mãn người dùng, bao gồm: giới hạn ký tự nhập vào (1.000 ký tự), giới hạn tin nhắn (30 tin nhắn một ngày, 100 tin nhắn tổng cộng đối với 1 tài khoản); không kết nối internet; không nhớ lịch sử chat, không theo thời gian thực; không có nút feedback để gửi phản hồi; thông tin chỉ mang tính tham khảo, còn nhiều sai sót; chatbot khá thường xuyên không hiểu câu hỏi; và khi hỏi đáp ở bên ngoài lĩnh vực được đào tạo (ví dụ làm thơ, nói đùa, đố mẹo, hỏi toán, hỏi code, viết content marketing…) thì chatbot không cung cấp được phản hồi hợp lý.

Ngược lại, phiên bản ViGPT dành cho doanh nghiệp B2B nhận được phản hồi tốt hơn, phần lớn do ViGPT học từ dữ liệu doanh nghiệp, sau đó xử lý đầu ra, phân tích, làm các nghiệp vụ chuyên sâu phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Người dùng đã quen với sức mạnh của ChatGPT kỳ vọng chatbot tương tự của Việt Nam sẽ sớm đuổi kịp để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của mọi người.

Các kỹ sư AI cả bên trong và bên ngoài VinBigData đều thừa nhận phiên bản ViGPT đầu tiên này sẽ cần cải tiến và hoàn thiện để trở nên “người” hơn.

Trước đó vào đầu tháng 12/2023, VinAI, một đơn vị thành viên khác thuộc tập đoàn VinGroup, cũng công bố một mô hình AI xử lý tiếng Việt là PhoGPT.

Dù sẽ mất ít nhất 1-3 năm để tinh chỉnh các mô hình AI tiếng Việt cho "mượt mà" nhưng các tập đoàn công nghệ lớn đang nhìn thấy tiềm năng to lớn của các mô hình này khi chúng được tích hợp với các cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, xã hội và hành chính công khổng lồ trong tương lai.

“Đó là một thị trường rất lớn, nơi mà các tập đoàn và các startup đang tranh đua quyết liệt. Nó sẽ minh chứng sống động cho hiệu ứng người thắng cuộc sẽ được hưởng phần lớn, hoặc tất cả”, một kỹ sư AI bên ngoài VinBigdata chia sẻ.