“Không ai biết tương lai sẽ thế nào. Chúng ta chỉ chắc được rằng nó sẽ thay đổi vô cùng triệt để” - chị Lê Thị Thái Tần - CEO của Công ty EMOTIV – đã nhận xét như vậy khi được hỏi về cảm nhận của chị về thế giới trong cuộc CMCN 4.0.
Ngành nghề, dịch vụ biến đổi mạnh mẽ
Với CMCN 4.0, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi hệ sinh thái một cách toàn diện, lớn lao.
Chẳng hạn, ngành nông nghiệp, trước đây chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào mùa, các dịch vụ nông nghiệp thì phụ thuộc vào hệ sinh thái.Nếu trước đây chúng ta không thể nắm bắt và điều khiển được mối quan hệ phụ thuộc này thì hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, loài người có thêm công cụ để thay đổi chuỗi sản xuất.
Với ngành du lịch, những kỳ quan không còn tồn tại vẫn có thể đón nhận người tham quan, trải nghiệm như thật thông qua các công nghệ như công nghệ thực tế ảo tăng cường…Chính điều này khiến người ta đặt câu hỏi, có cần thiết phải đi du lịch? Những phương tiện phục vụ di chuyển, du lịch cũng phải thay đổi, kéo theo nó là các hình thức kinh doanh có liên quan trong lĩnh vực du lịch sẽ thay đổi.
Với ngành giáo dục, sự thay đổi diễn ra cũng vô cùng mạnh mẽ. Nếu mục đích trước đây của giáo dục là để truyền đạt kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình thức học này có điểm hạn chế là nó mặc nhiên coi rằng mọi người ai cũng có khả năng “thẩm thấu” kiến thức như nhau trong khi, thực tế không phải vậy, dẫn tới người học được người không.
“Hiện nay, ngành giáo dục đang chuyển từ giai đoạn cá thể hóa, cung cấp những khóa học trực tuyến với lượng kiến thức vô cùng khủng sang giai đoạn “đo ni đóng giày” về nội dung cho từng cá nhân” - chị Tần nhận xét.
Ý tưởng về công việc cũng theo đó mà thay đổi rất nhiều. Nếu như trước kia, giáo dục cung cấp cho chúng ta nền tảng kiến thức phục vụ cho một công việc nào đó thì những kiến thức đó sẽ không thể giúp bạn kiếm được việc trong tương lai(bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều công việc hiện giờ sẽ biến mất trong 5-10 năm tới giờ).
“Do đó khả năng tự đào tạo lại là vô cùng quan trọng và nó thực sự là một trong những thách thức lớn nhất trong CMCN 4.0” - chị Tần khuyên.
Việt Nam nên làm gì trong CMCN 4.0?
Chị Tần cho rằng, các công việc tay chân sẽ nhanh chóng được thay thế bằng robot, cho nên Việt Nam cần tìm cách khác để thích nghi với CMCN 4.0. “Để nói về việc Việt Nam nên làm gì trong CMCN 4.0 thì chị không phải chuyên gia. Tuy nhiên, chị tin rằng trí tuệ nhân tạo là một trong những trụ cột của CMCN này. Một đất nước trẻ như Việt Nam, để có thể hòa nhập được với thế giới, cần chú trọng vào những lĩnh vực có liên quan tới tài sản trí tuệ hơn” – chị Tần chia sẻ.
Cũng theo chị Tần, CMCN 4.0 thực ra đã diễn ra từ rất lâu. Các công ty, đất nước từ lâu đã đầu tư rất nhiều vào khoa học, công nghệ. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam không nên đi theo các xu hướng đang nổi mà thay vào đó cần phải xây dựng mọi thứ từ một nền tảng bền vững. Nhằm giải bài toán Việt Nam làm sao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong CMCN 4.0, cần nắm vững hiện trạng của chúng ta, xem Việt Nam đã đầu tư vào những chỗ nào và đâu là những phương hướng phù hợp nhất với kỹ năng và khả năng của nguồn nhân lực.