Healthtech là một thuật ngữ bao hàm nhiều công nghệ khác nhau trong lĩnh vực y tế/chăm sóc sức khỏe. Chúng có thể là những phần mềm và hệ thống quản lý (ví dụ: quản lý hồ sơ bệnh án) trong các cơ sở y tế, app điện thoại tư vấn sức khỏe hay khám chữa bệnh từ xa, trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh, đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe.
Công nghệ thực tế ảo/tăng cường (VR/AR) dùng trong giáo dục y khoa, công nghệ in 3D để sản xuất các dụng cụ y tế và bộ phận cơ thể con người, cho đến những loại thuốc siêu nhỏ (nanomedicine) cũng nằm trong phạm trù này.
Tại Việt Nam đã có một số bệnh viện triển khai app để tương tác với người bệnh và đặt lịch khám. Có đơn vị sử dụng robot trong phẫu thuật, áp dụng học máy trong kê đơn và giám sát tồn kho, hay dùng blockchain để lưu trữ kết quả xét nghiệm. Đây đều là những ví dụ thực tế về healthtech.
Công nghệ xuất hiện để hỗ trợ con người – đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng như y tế, nơi sai lầm có thể gây hậu quả nặng nề. Mà con người thì không thể tránh khỏi mắc lỗi. Nếu sai lầm không để lại hậu quả nghiêm trọng thì nó cũng có thể gây phiền toái hay thiệt hại về thời gian và tiền của.
Healthtech đem đến các công nghệ để hỗ trợ các y bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị. Chẳng hạn, họ có thể dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ chẩn đoán bệnh từ phim chụp X-quang, hay dùng robot phẫu thuật để thực hiện các kỹ thuật yêu cầu độ chính xác cao.
Healthtech cũng giúp nâng cao chất lượng sức khỏe con người. Ví dụ như các app/chatbot tư vấn tâm lý chống trầm cảm, robot hỗ trợ người già, các thiết bị thông minh và máy đo theo dõi sức khỏe.
Ngoài ra, việc vận hành cơ sở khám chữa bệnh cũng phức tạp và tốn kém như một doanh nghiệp lớn. Về khía cạnh này, healthtech cung cấp các hệ thống thông tin và phần mềm, giúp đơn giản hóa và tối ưu hóa các quy trình trong bệnh viện, qua đó giảm tải công việc, cải thiện hiệu quả quản lý vật tư và thuốc men, tăng cường khả năng liên lạc, trao đổi và lưu trữ thông tin của cơ sở y tế.
Có những khó khăn gì khi áp dụng healthtech?
Các khó khăn chính đến từ hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, nhân lực, và khách hàng (bệnh nhân).
Đầu tiên, healthtech cần tuân thủ các hướng dẫn và khung pháp lý chặt chẽ, đặc biệt liên quan đến lưu trữ và chuyển giao dữ liệu quan trọng của bệnh nhân, cũng như các vấn đề về đạo đức. Ví dụ, nếu một chẩn đoán sai được đưa ra dựa vào AI thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các khung pháp lý liên quan đến việc thử nghiệm công nghệ hay thương mại hóa các sáng kiến này cũng vô cùng cần thiết.
Healthtech không tự chạy được nếu không có hạ tầng để hỗ trợ. Ngoài yếu tố con người, phải có cơ sở dữ liệu đủ lớn và đủ bảo mật để lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử. Tốc độ xử lý thông tin cũng phải nhanh, đặc biệt khi sử dụng công nghệ thông minh như AI hoặc robot phẫu thuật. Cũng cần phải có các tiêu chuẩn lưu trữ và cách trao đổi dữ liệu bệnh án điện tử.
Liên quan tới nhân lực, healthtech cần các chuyên gia máy tính và kỹ sư lập trình không chỉ giỏi thiết kế những kiến trúc công nghệ phức tạp và viết code, mà còn am hiểu về lĩnh vực và nghiệp vụ y tế. Tương tự, y bác sĩ cũng phải bước ra khỏi vùng an toàn, làm quen với “cộng sự” máy thông minh của mình. Họ cần thành thạo trong việc nhập liệu và truy xuất dữ liệu, có ý thức về bảo mật thông tin bệnh nhân, hiểu và áp dụng phù hợp các khuyến nghị của AI,…
Cuối cùng là khách hàng/bệnh nhân. Sẽ thật không hiệu quả nếu bệnh viện cung cấp các dịch vụ trực tuyến thông minh nhưng người dân vùng sâu vùng xa lại không có công cụ - như điện thoại thông minh, mạng 4G/5G - để tiếp cận các dịch vụ đó.
Bên cạnh đó là vấn đề về nhận thức và thói quen sử dụng dịch vụ y tế. Không phải khách hàng ở lứa tuổi nào cũng sử dụng thành thạo công nghệ.
Niềm tin vào công nghệ khám chữa bệnh cũng là một vấn đề lớn. Hãy thử đặt mình vào vị trí người bệnh, liệu chúng ta đã sẵn sàng đồng ý cho bác sĩ AI chẩn đoán và kê toa, hay được bác sĩ robot làm phẫu thuật?
Cơ hội cho healthtech ở Việt Nam
Vậy, healthtech có phải là xu hướng tại Việt Nam không? Câu trả lời của tôi là có.
Trong đại dịch COVID-19, khi chuyện đi lại và tiếp xúc gần khó khăn hơn, các nhà thuốc trực tuyến phải hoạt động hết công suất. Các bác sĩ đã phải dùng Zalo để tư vấn bệnh từ xa. Trong hoàn cảnh đó thì healthtech không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
Về lâu dài, chúng ta cần phải hiểu rằng healthtech không nhất thiết sẽ thay thế y bác sĩ nhưng sẽ là trợ thủ đắc lực để nâng cao chất lượng sức khoẻ của chúng ta, đặc biệt là đem dịch vụ y tế đến với những đối tượng và địa điểm ngoài các đô thị lớn, giải quyết bài toán quá tải tại các cơ sở y tế ở Việt Nam.
Việt Nam là đất nước có dân số đông, với tỉ lệ người lớn tuổi được dự đoán sẽ chiếm tới
16,53% trước năm 2030, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở mới nhất.
Các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến lối sống như béo phì, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, bệnh tâm lý, dần trở thành các xu hướng khó tránh khỏi. Ngoài ra, thế hệ Z rành sử dụng công nghệ, quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về sức khoẻ cá nhân, cũng dần chiếm lĩnh thị trường.
Ở khu vực Đông Nam Á, ước tính chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến năm 2025 có thể đạt 740 tỉ đô la Mỹ. Năm 2019, lĩnh vực healthtech ở khu vực đã nhận được
vốn đầu tư với tổng trị giá 266 triệu đô la Mỹ.
Theo tôi, đó là bối cảnh sẽ giúp healthtech trở thành xu hướng tại Việt Nam.
Song song với đó, chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749) của Chính phủ đang hướng đến quốc gia số vào năm 2030, tạo điều kiện để healthtech phát triển tại Việt Nam.
Điều này bao gồm việc khuyến khích và hỗ trợ các yếu tố liên quan đến công nghệ 4.0 nói chung, như giáo dục, chuẩn bị lực lượng lao động tay nghề cao, xây dựng hạ tầng công nghệ để thu hẹp khoảng cách số, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao. Bộ Y tế cũng muốn thử nghiệm sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” và tạo hành lang pháp lý cho công nghệ khám chữa bệnh từ xa và lưu trữ bệnh án điện tử.
Tôi kỳ vọng rằng trong thời gian tới tại Việt Nam, khung pháp lý và hạ tầng công nghệ về cơ bản sẽ sẵn sàng, thế hệ y bác sĩ giỏi công nghệ sẽ hình thành, các công ty healthtech tư nhân phối hợp hiệu quả với khu vực công, và thế hệ Z sẽ thực sự quan tâm sử dụng dịch vụ healthtech để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình mình.