Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong hơn 2 ngày, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.

Ngày 8/8, tại Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự lễ công bố kết nối toàn bộ các hệ thống này vào Nền tảng Khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth). Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp trước đó.

Thủ tướng chính phủ cùng đại diện các bộ ngành tham gia lễ công bố. Nguồn: Bộ TT&TT
Thủ tướng chính phủ cùng đại diện các bộ ngành tham gia lễ công bố. Nguồn: Bộ TT&TT


Nền tảng Telehealth được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020 đã kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có 1.600 hồ sơ, 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức. Nền tảng được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Như vậy, với sự kết nối này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Thủ tướng CP Phạm Minh Chính điều hành lễ kết nối. Nguồn: Bộ TT&TT
Thủ tướng CP Phạm Minh Chính điều hành lễ kết nối. Nguồn: Bộ TT&TT


Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Chợ Rẫy đã thực hiện kết nối hệ thống TeleHealth với nhiều bệnh viện tuyến huyện trên cả nước để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.

Cũng trong phiên hội chẩn, trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sỹ đang nỗ lực vượt qua các khó khăn về thiếu thốn cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch. Qua điều hành trực tiếp, Thủ tướng đánh giá đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế cũng tổ chức ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh. Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc.

Với quan điểm, dịch bệnh là toàn quốc nên chỉ có sử dụng nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung mới giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch. Sau 2 tháng thành lập, từ đầu tháng 6/2021, Trung tâm đã thu hút sự chung tay của gần 20 doanh nghiệp công nghệ số trên cả nước, với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, chuyên gia công nghệ, lập trình viên trong và ngoài nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Dịch bệnh lây lan không phân biệt ranh giới, địa phương, quốc gia, dân tộc. Vì thế, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch”.

Thủ tướng đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Y tế tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm số ca tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp.