Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Tập đoàn Viễn thông Hàn Quốc (Korea Telecom - KT) đang thí điểm một dịch vụ y tế từ xa có khả năng chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường. Nếu thành công, những công nghệ AI trong đó sẽ được tích hợp vào app ứng dụng y tế của bệnh viện để công chúng tiếp cận rộng rãi.

Giảm gánh nặng chi phí cho cộng đồng

Tiểu đường là một trong những tình trạng bệnh mãn tính đắt đỏ nhất nước ta. Cứ 10 đồng bảo hiểm y tế lại có 1 đồng được chi cho chăm sóc y tế trực tiếp cho những người mắc bệnh tiểu đường, bao gồm các chi phí nằm viện, chăm sóc ngoại trú, chăm sóc cấp cứu, thuốc không liên quan đến bệnh tiểu đường và thuốc hạ đường huyết.

Mỗi năm, có khoảng 435 triệu USD (~10.111 nghìn tỷ đồng) được chi cho các chi phí y tế trực tiếp kể trên, và khoảng 240 triệu USD (~5.560 nghìn tỷ đồng) cho các chi phí phi y tế trực tiếp và chi phí chăm sóc sức khỏe gián tiếp khác - theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam công bố trên tạp chí Diabetes Research and Clinical Practice.

Các chi phí này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do số lượng người mắc tiểu đường đang trên đà phát triển mạnh. Bộ Y tế cho biết trong vòng ba năm (2019 - 2022), số ca mắc bệnh đã tăng thêm 1,5 triệu người, nâng tổng số người đang mắc bệnh tiểu đường hiện nay lên gần năm triệu người.

Mối nguy hiểm của bệnh tiểu đường nằm ở các biến chứng. Người mắc tiểu đường có nguy cơ cao bị các biến chứng về tim mạch, suy thận, mù lòa, viêm loét chân phải cắt cụt. Gánh nặng bệnh tật kéo theo nhiều rủi ro lên hệ thống y tế và gia đình của người bệnh.

Khi nhìn vào hai biểu đồ hình tam giác ngược thể hiện phần trăm dân số mắc bệnh và chi phí y tế trực tiếp cho bệnh tiểu đường, PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lý giải rằng vì 10% số ca bệnh nặng đã chiếm gần một nửa chi phí y tế, nên các tác động sớm vào 90% người bệnh còn lại - để theo dõi, thay đổi lối sống và hướng dẫn điều trị thuốc cho họ - sẽ giúp tình trạng bệnh tật của những cá thể này không phát triển lên thành biến chứng, từ đó hạn chế những hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể người cũng như giảm được chi phí của xã hội.

Dự án hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Tập đoàn KT trong việc sàng lọc bệnh nhân tiểu đường bằng AI. Ảnh: HMUH
Dự án hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Tập đoàn KT trong việc sàng lọc bệnh nhân tiểu đường bằng AI. Ảnh: HMUH

Các bệnh viện hiểu được rất rõ “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bởi số lượng nhân viên y tế hạn chế của họ không thể kham nổi số ca bệnh khổng lồ. Và khi nhắc đến chi phí khám chữa bệnh, họ cũng biết việc tăng phân bổ ngân sách và nguồn lực để hạn chế vấn đề tiểu đường là không quá thực tế vì Việt Nam cũng đang phải giải quyết các bệnh không lây nhiễm khác. Mỗi căn bệnh đều phải cạnh tranh nguồn lực trong gói ngân sách y tế vốn đã rất căng thẳng.

Nhưng cách tầm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường thông thường rất khó để mở rộng quy mô với chi phí rẻ. Do vậy, họ đã tìm đến sự trợ giúp của công nghệ.

Tháng tư vừa rồi, trường Đại học Y Hà Nội đã bắt tay với Tập đoàn KT của Hàn Quốc để triển khai một dự án thí điểm sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích sàng lọc và quản lý lối sống của các bệnh nhân tiểu đường.

KT áp dụng kỹ thuật AI Screening để phân loại các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao thông qua một bộ câu hỏi sàng lọc liên quan đến tuổi tác, giới tính, chiều cao, cân nặng, vòng eo, tiền sử gia đình, huyết áp, đường máu.

Những ca bệnh được phát hiện sẽ được một “điều phối viên” AI hướng dẫn chăm sóc chuyên sâu (AI Intensive Care), giúp người bệnh xây dựng được thói quen sinh hoạt mới như đo đường huyết, kiểm soát chế độ ăn, vận động, uống thuốc...

Mô hình này đã được thử nghiệm ở Hàn Quốc hồi năm 2014 và chính thức đưa vào hệ thống y tế từ năm 2019. Ban đầu có khoảng 740 bệnh viện, phòng khám tham gia với gần 100.000 bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay số bệnh viện, phòng khám tham gia đã tăng gấp ba lần và hơn 530.000 bệnh nhân đang sử dụng ứng dụng di động (app) để sàng lọc chăm sóc tiểu đường của KT mang tên Dr. Around for Diabetes.

Thông qua công nghệ AI, các bệnh viện của Hàn Quốc đã giảm được 10% số bệnh nhân đến viện thăm khám thường xuyên và 50% số bệnh nhân phải nhập viện hoặc cấp cứu do biến chứng nặng.

Hiệu quả kiểm soát huyết áp và đường huyết của người bệnh cũng tăng lần lượt 7,8% và 10%. Từ năm 2023, mô hình này đã được thăng cấp thành một dịch vụ y tế được chấp nhận chi trả với lợi nhuận trên chi phí dự kiến từ 1,5 đến 4,3 lần.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: HMUH

BS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết, một hệ thống AI Screening tương tự cũng đang được thử nghiệm trên 2.000 bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Độ nhạy hiện nay là 84% và độ đặc hiệu đang ở mức 54% khi so sánh giữa kết quả chẩn đoán của AI với kết quả xét nghiệm HbA1c thực tế.

Đến tháng tám, các thử nghiệm sẽ kết thúc. Mục tiêu của các bác sĩ là nâng tổng số người bệnh được tiếp cận thí điểm lên 5.000 người và kỳ vọng độ đặc hiệu khi đó sẽ đạt trên 60%, bằng với kết quả của Hàn Quốc.

Với hệ thống chăm sóc sức khỏe AI Intensive Care, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tìm được 240 người thí điểm và phân tích mức độ cải thiện sức khỏe của người tham gia sau khi triển khai 12 tuần.

Hiện nay, số lượng người tham gia mới chỉ đạt 1/3 và các kết quả cải thiện chưa thực sự có ý nghĩa thống kê. “Tuy nhiên, nếu chỉ xét theo ca bệnh thì đã có một vài ca thay đổi rất đáng kể chỉ sau 1-2 tuần quản lý bằng AI”, BS. Nguyễn Lân Hiếu tiết lộ.

Chẳng hạn, một bệnh nhân nam 46 tuổi ở giai đoạn tiền tiểu đường, trước kia có lượng đường huyết cao (HbA1C 7,1%) và thể trạng nặng nề (91kg) nhưng sau khi thực hiện nghiêm ngặt các hướng dẫn chăm sóc của app để “đạt được trọng lượng cơ thể mục tiêu”, anh đã ổn định được đường huyết và giảm 3kg trong vòng hai tuần mà không cần dùng thêm thuốc.

Một bệnh nhân nam khác 36 tuổi đang ở giai đoạn tiểu đường sớm đã được app chỉ định chiến lược “sử dụng các cuộc gọi chăm sóc can thiệp bổ sung để duy trì hồ sơ ăn uống”. Chỉ sau một thời gian, người bệnh này đã đạt được kết quả đáng ngạc nhiên: giảm 4kg sau hai tuần, và hạ được mức đường huyết lúc đói từ 8,2mmol/L xuống còn trung bình 6,1mmol/L.

Một vài bệnh nhân khác cũng được AI giới thiệu các nhiệm vụ khác nhau tùy theo tình trạng của họ, chẳng hạn như “Khuyến khích tiếp tục ghi lại lượng đường trong máu một cách đều đặn”, hoặc “Thay đổi chế độ ăn tinh bột”…

Hai thử nghiệm áp dụng AI này mới đi được một phần nhỏ chặng đường của dự án, tuy nhiên BS. Nguyễn Lân Hiếu tỏ ra vô cùng lạc quan về tiềm năng áp dụng.

“Rất ấn tượng khi ta có thể sàng lọc cùng lúc hơn 2.000 cá nhân bằng một phương pháp đơn giản”, ông nói. Chỉ cần download ứng dụng và sử dụng công nghệ tự động trong đó để sàng lọc, giải thích và hướng dẫn cho người bệnh những bước tiếp theo. Nếu tình trạng của người dùng tăng lên, họ sẽ được chuyển sang những hướng dẫn chăm sóc tích cực dựa theo kinh nghiệm của các chuyên gia y tế nhưng được cá thể hóa.

Đối với các bác sĩ luôn luôn bận rộn từng giây từng phút, những ứng dụng AI như thế sẽ là công cụ quan trọng giúp họ nắm bắt được các thông tin nền của bệnh nhân và nhanh chóng đưa ra quyết định điều trị.

Thử tưởng tượng, nếu được AI áp dụng rộng rãi, chúng sẽ giảm đáng kể chi phí và nguồn lực y tế lãng phí cho những bệnh nhân không có được cơ hội kiểm soát sớm bệnh tật. Trong cộng đồng dân cư, ước tính có tới hơn 63% số trường hợp ở Việt Nam là những người bị tăng đường huyết mà chưa được phát hiện. Những người này có nguy cơ trở thành bệnh tiểu đường sau 5-10 năm nữa.

BS. Nguyễn Lân Hiếu tiết lộ, họ sẽ công bố các kết quả thử nghiệm cuối cùng vào tháng 11 và đưa những công nghệ AI này lên app của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào tháng 12 để công chúng tiếp cận rộng rãi.

“Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều bệnh viện khác tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm như thế. Điều này sẽ đóng góp cho việc nâng cao sức khỏe cho người dân” BS. Hiếu nói.

AI y tế: Một thị trường tiềm năng

Với dân cư đông, tỷ lệ dân số đang già hóa, và mô hình bệnh tật dần chuyển sang các bệnh mãn tính, ngành y tế Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển dịch vụ mới.

Từ năm 2017, Chính phủ đã đưa ra những chính sách khung về triển khai y tế từ xa (telehealth), mở đường cho việc áp dụng rộng rãi các công nghệ hội chẩn từ xa, phòng khám chữa bệnh từ xa và chăm sóc sức khỏe ban đầu từ xa.

AI cũng là một lĩnh vực mà ngành y tế Việt Nam đặc biệt coi trọng trong các trụ cột phát triển công nghệ của mình. AI bước đầu đã được được triển khai như một phần của chương trình thí điểm điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh từ năm 2018.

Đến nay, các sáng kiến AI khác - bao gồm ứng dụng học máy, điện toán nhận thức, cũng như ra quyết định lâm sàng dựa trên công nghệ - đang được xem xét và phát triển ở giai đoạn đầu.

Tập đoàn KT cung cấp các nền tảng quản lý chăm sóc sức khỏe từ xa dựa trên ứng dụng di động. Nguồn: Korea Herald
Tập đoàn KT cung cấp các nền tảng quản lý chăm sóc sức khỏe từ xa dựa trên ứng dụng di động. Nguồn: Korea Herald

Việc những tập đoàn lớn như KT lấn sân sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Giám đốc dự án của KT cho biết tập đoàn chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ y tế từ xa vì luật pháp Việt Nam không hạn chế đối với loại hình này, và một số dịch vụ loại này đã được triển khai tại Việt Nam như Jio Health, eDoctor và Doctor Anywhere.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ gia tăng mạnh về nhu cầu y tế. Trên thực tế, tập đoàn KT đang triển khai song song hàng loạt dự án với các bệnh viện lớn của Việt Nam để thí điểm những ứng dụng AI liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và chăm sóc hậu phẫu cho các bệnh mãn tính bao gồm ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, Alzheimer.

KT dự kiến sẽ mất khoảng hai đến ba năm để phát triển thành công dịch vụ này ở Việt Nam, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng sang các nước Đông Nam Á khác.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, Telehealth là một trong những xu hướng chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Việt Nam. Cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe từ xa đã được cải thiện rất nhiều.

Theo báo cáo của Innolab Asia, đến năm 2026, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa của Việt Nam sẽ đạt giá trị 185,6 tỷ USD