Một liên minh tại Scotland đang phát triển hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm nguy cơ tiềm ẩn từ tảo và các loại sinh vật phù du, nhằm giải quyết một trong những thách thức lớn nhất trong nuôi trồng thủy sản.
Liên minh bao gồm OTAQ (nhà cung các giải pháp công nghệ biển), IFCC (Trung tâm Phân tích tế bào Iain Fraser) thuộc Đại học Aberdeen, SAIC (Trung tâm Đổi mới Nuôi trồng thủy sản Scotland) và CENSIS (Trung tâm Đổi mới về các hệ thống cảm biến, hình ảnh và công nghệ IoT) – đang nghiên cứu chế tạo một hệ thống cảm biến chi phí thấp, có thể tự động lấy mẫu và xác định số lượng của các sinh vật phù du cực nhỏ trong nước bằng kỹ thuật phân tích hình ảnh.
Sự tích tụ quá mức của tảo và các sinh vật phù du là một trong những vấn đề lớn nhất đối với nuôi trồng thủy sản, bởi nó trực tiếp đe dọa sức khỏe của đối tượng nuôi. Đặc biệt hiện tượng “tảo nở hoa” (thủy triều đỏ), xuất hiện do những biến đổi lớn về nhiệt độ, ánh sáng hoặc dinh dưỡng trong môi trường nước, hoàn toàn có thể gây ra tình trạng cá chết hàng loạt. Ngay đến Nauy cũng từng mất một lượng lớn cá hồi vào đầu năm 2019 vì nguyên nhân tương tự.
Hiện nay, phần lớn những phương pháp được sử dụng để theo dõi, định lượng tảo và các sinh vật phù du hãy còn tồn tại rất nhiều hạn chế, và công việc đo đạc chủ yếu vẫn được thực hiện thủ công 1–2 lần mỗi ngày. Ngoài ra, kết quả đo cũng tiềm ẩn không ít sai sót, cộng với bị diễn dịch theo hướng chủ quan. Một số phương pháp chính xác hơn, dựa trên các thiết bị đắt tiền (đòi hỏi bảo trì thường xuyên) cũng thường chỉ cho báo cáo hết sức giản lược về tình trạng của tảo.
Để khắc phục những yếu kém này, hệ thống cảnh báo mới sẽ được trang bị camera hiển vi cùng một công cụ lấy mẫu nước độc đáo và trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý hình ảnh lẫn cung cấp kết quả đo sát với thời gian thực nhất. Dựa vào đó, chủ trại có thể thực hiện biện pháp phòng ngừa từ sớm, chẳng hạn kích hoạt lớp “màn bong bóng” (hay rào cản) bảo vệ cá, hoặc ngừng cho ăn.
Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cá nuôi trong điều kiện nuôi thả tốt hơn, đồng thời cải thiện hệ số sử dụng thức ăn cùng toàn bộ quy trình giám sát chất lượng nước, mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí cho người sản xuất. Đại diện của OTAQ cho biết, một số công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ mới này.
Ông Chris Hyde, giám đốc thương mại của OTAQ cho biết: “Những năm qua, tảo và các sinh vật phù du đã gây không ít mất mát cho người nuôi trồng thủy sản trên thế giới, từ Nauy cho đến Chile. Vì thế, các giải pháp có khả năng phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn cần phải được ưu tiên phát triển. Chúng tôi đang cố gắng tìm cách khắc phục những hạn chế trước kia bằng công nghệ cảm biến mới – về bản chất là hướng tới tự động hóa phần lớn quy trình và cung cấp dữ liệu chính xác hơn về tình trạng của tảo và các sinh vật phù du, với tần suất 24/7.”
“Sự phát triển của công nghệ cảm biến là bước đầu để hướng tới xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và toàn diện hơn. Đây chắc chắn sẽ là một sản phẩm chiến lược của chúng tôi, nhằm mang lại cho khách hàng khả năng giám sát tốt hơn đối với những gì đang thực sự diễn ra, bên cạnh cung cấp dữ liệu bổ sung để phục vụ hoạt động ra quyết định. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang rất mong đợi công nghệ này. Sự tham gia của Đại học Aberdeen và hai trung tâm đổi mới ở Scotland đã giúp đẩy nhanh đáng kể tiến trình, và mang đến cho chúng tôi nền tảng khoa học vững chắc để tạo và xử lý chính xác dữ liệu.”
TS. Raif Yuecel, lãnh đạo IFCC cho biết thêm: “Phân tích tế bào theo dòng chảy là một công nghệ cần được xây dựng tốt và thường xuyên để nghiên cứu tảo và các sinh vật phù du. Trung tâm IFCC là một cơ sở nghiên cứu tế bào học hiện đại, và do đó sẽ là đối tác lý tưởng của OTAQ trong dự án đầy ý nghĩa này, nhằm thúc đẩy sự phát triển của một ngành khoa học biển thiết yếu. Các chuyên gia của chúng tôi sẽ đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra độ chính xác của dữ liệu hình ảnh và định lượng do hệ thống AI (của OTAQ) cung cấp và kịp thời đưa ra những đánh giá về nguy cơ gây bệnh của các loài sinh vật biển nhờ nền tảng công nghệ tiên tiến. Chúng tôi tự hào vì đóng góp cho một hệ thống sáng tạo như vậy, và được tham gia thiết lập nền móng ban đầu cho hoạt động theo dõi các sinh vật phù du gây bệnh sống trong nuôi trồng thủy sản.”
Caroline Griffin, giám đốc đổi mới phụ trách nuôi trồng thủy sản tại SAIC cho biết: “Công nghệ này có thể tạo ra một bước đột phá thực sự trong nuôi trồng thủy sản ở tất cả các quốc gia, bao gồm cả cá hồi, nhờ giải quyết được một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ngành, giúp bảo vệ sức khỏe và cải thiện phúc lợi của cá nuôi. Tại Scotland, nó có thể được sử dụng để trợ giúp xây dựng Quy định khung về sức khỏe cá nuôi (Farmed Fish Health Framework) do Chính phủ ban hành trong thập kỷ tới.”