Nhóm tác giả Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã xây dựng Hệ thống hỗ trợ thu thập và trực quan hóa thông tin sức khỏe, ứng dụng giám sát thai phụ đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Nếu chỉ số ĐTĐTK tăng quá cao, em bé được sinh ra dễ bị thừa cân, béo phì, mắc các bệnh về hô hấp, dễ bị bệnh về đường huyết hơn các bé bình thường,… Người mẹ có nguy cơ chấn thương vùng lưng, gãy xương và trật khớp do thai nhi quá to, tỷ lệ tiền sản giật cao gấp 4 lần người bình thường, khả năng phải sinh non và sinh mổ tăng cao,… Do vậy, việc tầm soát và quản lý ĐTĐTK cho phụ nữ có thai thật sự cần thiết, không chỉ nhằm đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ mà còn giảm những biến chứng lâu dài đối với con cái của họ. Để có thể quản lý tốt tình trạng ĐTĐTK, người bệnh cần cập nhật thông tin đến bác sĩ, giúp bác sĩ có cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn với việc can thiệp.
Hệ thống giám sát thai phụ ĐTĐTK (IoH) do nhóm tác giả nghiên cứu, cung cấp nền tảng hỗ trợ thu thập, xử lý, phân tích và trực quan hóa thông tin sức khỏe. Với nền tảng mã nguồn mở, IoH có thể tùy chỉnh giao diện báo cáo, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế quản lý bệnh nhân khác nhau của từng đơn vị y tế. Hệ thống cho phép tích hợp dữ liệu từ nhiều trung tâm khác nhau và thu thập với nhiều phương thức khác nhau như dịch vụ internet, tin nhắn SMS, dịch vụ AI (trí tuệ nhân tạo),… Thông qua hệ thống, bệnh nhân sẽ nhận được tin nhắn nhắc nhở thực hiện việc đo đường huyết vào giờ cố định trong ngày, và gửi trị số đường huyết đo được vào hệ thống. Nhờ đó, bệnh nhân xuất viện vẫn nhận được nhắc nhở từ nhân viên y tế.
IoH đã được triển khai sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Hùng Vương để hỗ trợ theo dõi, nhắc nhở và thu thập chỉ số đường huyết thai phụ ĐTĐTK. Đối tượng sử dụng phần mềm gồm nhân viên y tế (nhắc nhở bệnh nhân giờ thử đường huyết, thu thập dữ liệu và hỗ trợ tư vấn bệnh nhân), bệnh nhân (nhận tin nhắn, xem đường huyết, biến đổi đường huyết). Bệnh nhân cài app vào điện thoại và chủ động nhập dữ liệu vào hệ thống. Nhân viên y tế và bệnh nhân hài lòng khi sử dụng hệ thống, bởi được giảm tải công việc và bệnh nhân không bị quên việc đo đường huyết, được nhân viên y tế tư vấn kịp thời nếu có bất thường. Hệ thống cũng giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi, giám sát tình trạng của từng bệnh nhân, trực quan hóa các chỉ số cần giám sát, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Công trình nghiên cứu này đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua. Nhóm tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống, không chỉ để hỗ trợ theo dõi các chỉ số đường huyết mà cả các chỉ số khác, cũng như ứng dụng vào quản lý đối tượng nghiên cứu, quản lý bệnh nhân bệnh mãn tính hoặc tiêm ngừa vaccine cần được nhắc nhở lịch hẹn tự động.
Kiều Anh