Một nền tảng công nghệ sử dụng trí tuệ nhận tạo đã giúp cho Drobebox, một startup trong lĩnh vực thời trang, phục vụ trên 11.000 khách hàng những bộ đồ phù hợp nhất với vóc dáng của mỗi người.
Với Drobebox là người dùng có thể thỏa thích chọn lựa với tủ đồ thiết kế phong phú từ những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: style-republik.com
Đội ngũ phát triển Drobebox. Ảnh NVCC
5 năm trước chắc chắn sẽ chẳng mấy ai nghĩ đến việc đi thuê quần áo để mặc mỗi ngày? Đồ dạ hội, đồ đi tiệc thuê còn hợp lý chứ đồ mặc hằng ngày sao phải thuê? Đồ thuê thì mặc liệu có đẹp không, nhất là khi mình không đến tận nơi để thử? Mỗi lần muốn mua đồ, phụ nữ có thể mất vài tiếng đồng hồ tìm kiếm các cửa hàng, đi thử mất cả ngày mới quyết định mua. Nhưng Drobebox đã ra đời và làm thay đổi toàn bộ điều đó. “Cuộc sống ngày càng bận rộn hơn và công nghệ có thể giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí”– Tăng Ngọc Hải Sơn – nhà sáng lập của startup này nói về lý Drobebox ra đời.
Lựa chọn của lối sống tối giản
Tăng Ngọc Hải Sơn cho biết, khi mới bắt đầu phát triển Drobebox cách đây chưa đầy một năm, anh không có kinh nghiệm và không có cả tiền – một sự khởi đầu giống nhiều startup khác. Thứ duy nhất họ có là khả năng công nghệ, khát khao muốn biến ý tưởng về một “tủ đồ trên mây” thành một Drobebox có hình hài và có thể thay đổi được cuộc sống của những người phụ nữ thành thị. Ý tưởng này không phải mới bởi trên thế giới, thị trường này đã tồn tại từ lâu. Theo ước tính của Research Nester, trên thế giới ngành công nghiệp cho thuê quần áo trực tuyến đạt khoảng 1,1 tỷ USD vào năm 2018 và có thể đạt mức 2,8 tỷ USD vào năm 2027. Riêng thị trường Việt Nam, theo ước tính của Tăng Ngọc Hải Sơn, quy mô hiện khoảng 50 triệu USD và Drobebox đang là người tiên phong.
Để sử dụng ‘tủ đồ siêu to khổng lồ nằm trên điện thoại’ này, mỗi khách hàng chỉ cần chi ra khoảng 50 nghìn đồng mỗi ngày là có thể thuê từ 20-30 sản phẩm mỗi tháng mà không cần đến cửa hàng, không cần giặt ủi nhưng ngày nào cũng có đồ mới để mặc. Khoảng 400 mẫu sản phẩm đến từ các nhãn hàng trong nước mà Drobebox lựa chọn đều mang phong cách casual (thoải mái, thường ngày), có thể mặc đi làm, đi chơi hằng ngày. Chỉ khi nào khách hàng thật sự yêu thích một chiếc váy hay một bộ đồ và tin rằng mình sẽ sử dụng nhiều lần thì họ mới cần bỏ tiền là mua. Sử dụng nhưng không sở hữu là phong cách sống tối giản mà nhiều người trẻ trên thế giới đang theo đuổi.
“Khi thực hiện phỏng vấn với khoảng 50 khách hàng, chúng tôi nhận thấy, khoảng 80% tủ đồ của họ không được sử dụng thường xuyên, nhiều món không được mặc đến lần thứ hai, nhiều món chưa cắt tag” – Sơn chia sẻ. Bên cạnh đó, thay vì mất hàng chục giờ đồng hồ cho việc mua sắm, giặt là ủi mỗi tuần thì khách hàng chỉ mất 20-30 phút mỗi cuối tuần lựa chọn trang phục cho cả tuần rồi đặt hàng. Vài tiếng sau, tất cả những món đồ đã được giặt là phẳng phiu sẽ được mang tới cửa.
AI giúp mặc đẹp
Nếu bạn thắc mắc, làm sao để để Drobebox có thể giúp mình lựa chọn được món đồ phù hợp với vóc dáng, phong cách giữa hàng trăm món đồ và những outfit thì câu trả lời nằm ở “trí tuệ nhân tạo”. Với nhiều năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, những người sáng lập của Drobebox không ngần ngại thể hiện quan điểm “rất ghét việc làm công nghệ đơn thuần không gắn với giá trị nào”. Họ tin “công nghệ chỉ thực sự có giá trị khi nó giải quyết được vấn đề nào đó của người dùng. Như vậy, công nghệ mới dần được cải thiện”. Bởi vậy khi đưa vào AI vào Drobebox, Tăng Ngọc Hải Sơn đã phải thốt lên “rất phù hợp để sử dụng AI”.
Để thấu hiểu từng khách hàng, đi kèm mỗi sản phẩm của Drobebox sẽ có khoảng 30-40 điểm dữ liệu như độ co giãn vật liệu, hình dáng, body shape… Dựa vào cách người dùng sử dụng, trả lại và phản hồi, hệ thống AI sẽ nội suy sở thích và xu hướng thời trang của người dùng. Những người có sở thích giống nhau sẽ được hệ thống tự động xếp chung một nhóm. Dựa trên dữ liệu chung của một tập khách hàng như vậy, hệ thống lại tiếp tục đưa ra các phân tích về sở thích liên quan đến chất liệu, mẫu thiết kế… để đưa ra gợi ý phù hợp. Khi một người trong nhóm có tương tác với sản phẩm mới, hệ thống cũng tự động gửi nó đến cho những người còn lại.
Không chỉ hiểu người dùng hơn, AI cũng giúp Drobebox tăng khả năng tương thích của người dùng và sản phẩm nhờ công nghệ prediction engine (hệ thống dự đoán). “Khi chúng tôi có một hệ thống sản phẩm mới, prediction engnie dựa trên các dữ liệu người dùng thu thập được sẽ đưa ra phân tích xem sản phẩm có phom dáng như vậy sẽ có bao nhiêu người thuê, bao nhiêu người mua. Thậm chí, sẽ có những thiết kế, hệ thống đưa ra dự đoán như chỉ nên mua size S, vì những người có size lớn hơn sẽ không bao giờ mặc bộ đồ như vậy và ngược lại” – Tăng Ngọc Hải Sơn giải thích về cách mà Drobebox đang vận hành. Với cả công nghệ và lượng data đang có trong tay, Drobebox tin rằng họ có thể thấu hiểu người dùng và mang đến niềm tin, khi đã lựa đồ ở đây món nào cũng làm họ trở nên đẹp hơn - điều mà tất cả các cửa hàng online bán hay cho thuê quần áo không thể làm được.
Do đó, nếu người dùng lần đầu tiên sử dụng Drobebox, thông qua việc lựa chọn những sản phẩm, Drobebox sẽ dần định hình phong cách họ yêu thích và đưa ra gợi ý phù hợp. Nếu người dùng không lựa chọn được, Drobebox sẽ đưa ra các lựa chọn Có/Không để định hình sở thích. Từ những dữ liệu ban đầu, trí tuệ nhân tạo của Drobebox sẽ phân tích và đưa họ vào một nhóm những người có cùng phong cách.
“Rủi ro lớn nhất của việc mua sắm online là khách hàng không biết có mặc đẹp không? Mặc vừa thì dễ nhưng mặc đẹp rất khó, bởi có những bộ đồ chỉ sinh ra cho người có thân hình quả lê hay những người có thân hình tam giác ngược” – Sơn giải thích. Vì thế, việc cá nhân hóa trong thời trang là điều mà trước nay hầu như chỉ có con người mới làm được.
Tham vọng trở thành one-stop
Có một chi tiết thú vị là Drobebox ra mắt đúng vào tháng 4/2020- thời kỳ cả đất nước thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm ấy chẳng ai đi đâu nên cũng không nhiều người có nhu cầu thuê đồ. Đã có không ít người nghi ngờ về khả năng sống sót của họ nhưng sau một năm, Drobebox đã có 11.000 khách hàng, “vẫn đang lỗ ở mức chấp nhận được” và doanh thu vừa đủ vận hành công ty.
Cách đây chừng một tuần, Drobebox đã thực hiện gọi vốn cộng đồng, nghĩa là vận động những người có nhu cầu thuê đồ sẵn sàng ủng hộ tiền để họ nhân hai số lượng đồ đang có và trao tặng lại cho khách những thẻ thành viên sử dụng.
“Sau sáu ngày, chúng tôi nhận được hơn 70 triệu. Mục tiêu là sau một tháng có thể được 300-350 triệu. Với Drobebox, đây là một bài kiểm tra có thực sự được mọi người yêu thương không” – Sơn nói.
Cùng với đó, những người sáng lập của Drobebox đang thực hiện gọi vốn từ quỹ đầu tư với mục tiêu hoàn thiện các giải pháp và mở rộng thị trường ra Hà Nội vào tháng 9/2020 và Bangkok (Thái Lan) vào năm 2022. Giải thích về bước đi này, Sơn cho rằng, thị trường thời trang của Thái Lan lớn gấp Việt Nam 1,5 lần, một thử thách vừa đủ. Startup này tin rằng khi đã đi được tới Hà Nội thành công thì việc đến Thái Lan thực chất chỉ giống như việc mở rộng sang thành phố khác với những bước đi tương tự như thu hút sự quan tâm, phát triển các kênh cung cấp giao vận với chi phí thấp nhất, tiếp cận và hiểu hành vi khách hàng….
Nhìn sang ông lớn gần giống Drobebox như Rent the Runaway ở Mỹ hay Style Theory ở Đông Nam Á, Sơn cho biết không mấy lo ngại về sự cạnh tranh. Bởi nếu như Rent the Runaway tập trung vào thị trường hàng xa xỉ thì Style Theory dù có mô hình tương tự nhưng lại thiếu đi dữ liệu cũng như lợi thế hiểu người dùng Việt Nam. Vì thế, việc để Drobebox có thể làm bây giờ là đi thật nhanh chiếm lượng thị phần lớn nhất và tạo ra lợi thế về mặt dữ liệu giúp thấu hiểu người dùng.
“Tôi muốn Drobebox trở thành một one-stop có thể trở thành nền tảng giải quyết mọi vấn đề về thời trang và làm đẹp mà phụ nữ cần. Nếu bạn chọn một bộ đồ, hệ thống sẽ tự động gợi ý đi kèm như đôi giày, phụ kiện, túi xách, màu son…. Và chỉ cần một cái chạm tay, tất cả sẽ được giao tới cửa sau vài chục phút” – Sơn nói về tầm nhìn với Drobebox sau 5 năm.