Từ 80 mẫu dòng khổ qua bản địa, hoang dại được thu thập ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, đã chọn tạo được giống khổ qua F1 NLU 0122 cho năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tự chọn tạo ra nhiều loại giống cây trồng, nhưng đến nay trên 80% giống rau vẫn phải nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 500 - 700 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại, riêng nhập khẩu giống rau chiếm khoảng 70 - 90 triệu USD.
Đối với cây khổ qua (mướp đắng), một trong số các cây rau ăn quả chính yếu thuộc họ bầu bí cũng phải nhập khẩu giống. Tuy các giống này cho năng suất cao, quả đẹp, nhưng việc nhập khẩu hạt giống khổ qua không những gây thất thoát kinh phí, mà còn tạo ra sự lệ thuộc vào nguồn giống nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, TS Phan Đặng Thái Phương và cộng sự tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, đã thực hiện đề tài "Chọn lọc, khảo nghiệm và trình diễn một số dòng khổ qua lai F1 phù hợp với điều kiện vùng Đông Nam Bộ".
Từ 80 mẫu dòng khổ qua bản địa, hoang dại được thu thập ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, bằng phương pháp kỹ thuật chỉ thị phân tử, nhóm đã lai tạo được 6 dòng khổ qua F1 có triển vọng, cho năng suất cao, phục vụ công tác tạo giống khổ qua lai. Qua quá trình đánh giá và chọn lọc tổ hợp lai, nhóm nghiên cứu đã lai tạo được giống khổ qua lai F1 NLU 0122 mang ưu thế lai mong đợi và được trồng khảo nghiệm ở một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM.
Kết quả cho thấy, năng suất trồng thử nghiệm giống NLU 0122 đạt 26-27 tấn/hecta, cao hơn 20-30% so với giống đối chứng (giống khổ qua Santa, đang được thương mại phổ biến ở vùng trồng rau màu chuyên canh của TPHCM), khả năng phân nhánh mạnh, sinh trưởng rất khỏe. Quả có kích thước vừa, thuôn đều, gai nở, vỏ quả xanh bóng đẹp, vị đắng vừa. Ngoài ra, giống NLU 0122 còn có khả năng chống chịu với bệnh phấn trắng, bệnh sương mai, rầy xanh, ruồi đục quả. Giống khổ qua lai F1 NLU 0122 đã được đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới và thực hiện khảo nghiệm DUS [hay quá trình đánh giá tính khác biệt (Distinctness), tính đồng nhất (Uniformity), tính ổn định (Stability) của giống cây trồng mới] theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay, góp phần đa dạng hóa giống cây trồng của khu vực TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cung cấp giống mới cho thị trường.
Kiều Anh