Mô hình trồng khảo nghiệm khổ qua ghép gốc mướp tại xã Khánh Hòa huyện Châu Phú (An Giang), do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang xây dựng, cho năng suất và lợi nhuận vượt trội.

Khổ qua (mướp đắng) là loại rau màu mẫn cảm với các loại bệnh, đặc biệt là bệnh có nguồn gốc từ đất như bệnh héo rũ do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có giống kháng, chủ yếu được phòng ngừa bằng cách luân canh với cây trồng khác họ hoặc sử dụng các biện pháp hóa học để phòng trừ. Vì vậy, việc trồng khổ qua đơn thuần như hiện nay ở An Giang cho năng suất chưa cao.

Thực hiện ghép khổ qua
Thực hiện ghép khổ qua lên gốc mướp Ảnh: PA

Trước thực tế đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Châu Phú xây dựng “Mô hình khảo nghiệm cây khổ qua ghép gốc mướp tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú”. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Trần Trọng Hiếu trên diện tích 1.000m2, từ tháng 6/2020. Trong đó, 500 m2 trồng khổ qua ghép gốc mướp và 500m2 trồng khổ qua không ghép gốc mướp (đối chứng).

Khổ qua được chọn từ giống F1 sinh trưởng mạnh, trồng được quanh năm. Giống mướp VG-17-001 nhập từ Đài Loan, chuyên làm gốc ghép cho cây rau họ dưa, bầu bí, có đặc tính sinh trưởng khỏe.

Kết quả cho thấy, cây khổ qua ghép sinh trưởng tốt, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%, thân chính dài, lá cây nhiều hơn cây đối chứng. Chiều dài, đường kính, số lượng và khối lượng trái trên cây ghép gốc mướp cao hơn 21% so với cây đối chứng.

Mô hình trồng đối chứng (trái) và khổ qua ghép gốc mướp
Mô hình trồng đối chứng (trái) và khổ qua ghép gốc mướp. Ảnh: PA

Theo bà Trần Ngọc Phương Anh - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang, khổ qua ghép gốc mướp có chi phí đầu tư cao hơn mô hình đối chứng không ghép, do cây giống khổ qua ghép mướp giá thành cao (khoảng 3.000đ/cây). Tuy nhiên, khi trồng cây khổ qua ghép cho năng suất cao hơn giống khổ qua đối chứng, nên thu về lợi nhuận cao hơn đến 2 triệu/500m2 so với đối chứng). Ngoài ra, cây ghép cũng chịu được mưa ngập tốt hơn.

“Do mô hình đạt hiệu quả kinh tế hơn cây đối chứng, nên trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang sẽ mở rộng mô hình và tập huấn kỹ thuật ghép, trồng khổ qua ghép gốc mướp cho bà con nông dân. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu trồng khổ qua trong điều kiện môi trường đất bất lợi như bị nhiễm bệnh do nấm Fusarium oxysporum và nền đất canh tác lúa thấp, thường xuyên bị ngập úng” – bà Phương Anh cho biết.