Nhóm tác giả của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM mới đây đã chọn tạo được 3 giống dưa leo đơn tính cái mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, thích hợp trồng trong nhà màng tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Hiện nay, phần lớn các giống rau sản xuất ở nước ra được nhập khẩu. Các giống cây trồng áp dụng công nghệ cao chủ yếu là các loại rau ăn lá (cải, mồng tơi,…), rau ăn trái (dưa leo, cà chua, khổ qua,…), các giống cây ngắn ngày (dưa lưới, dưa hấu). Trong đó, dưa leo là loại giống thích hợp trồng trong nhà màng cho năng suất, chất lượng cao.

Phần lớn diện tích sản xuất dưa leo hiện nay đều sử dụng giống F1 nhập khẩu. Các giống này cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, nhưng giá khá cao và khả năng chống chịu sâu bệnh kém.

Các giống dưa leo F1 được tạo ra bằng thụ phấn chủ yếu nhờ gió, côn trùng,... vì vậy chủ yếu được trồng ngoài đồng ruộng. Việc trồng dưa leo trong nhà màng sẽ tốn nhiều công thụ phấn, hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Do đó, cần tạo ra giống dưa leo đơn tính cái (dưa leo trinh sinh, chỉ sinh ra hoa cái), trồng trong nhà màng, không cần thụ phấn nhờ côn trùng mà vẫn đậu quả, cho năng suất cao.

Trồng thử nghiệm các giống dưa leo đơn tính cái
Trồng thử nghiệm các giống dưa leo. Ảnh: NNC

Các nghiên cứu lai, chọn tạo giống dưa leo đơn tính cái mới được tiến hành trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc. Khu vực phía Nam chưa có nghiên cứu nào về giống dưa leo này.

Nhóm tác giả đã sưu tầm và đánh giá 30 loại giống đơn tính cái (cả trong nước và nhập khẩu) để làm vật liệu lai giống. Sau khi trồng và khảo nghiệm, đánh giá, các giống có đặc tính tốt (năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, hình dáng đẹp,…) được chọn để tạo các tổ hợp lai.

Kết quả, nhóm tác giả đã chọn được 8 dòng dưa leo ưu tú nhất, từ đó tạo ra 28 tổ hợp lai. Trong đó, có 3 tổ hợp lai đơn tính cái (THL 08, THL 14, THL 16) cho năng suất cao, giòn hơn giống đối chứng Vinol 157 (50,67 tấn/ha), có thể chọn làm giống F1. Các giống này có năng suất lần lượt là 51,67 - 52,33 - 51,30 tấn/ha. Tỷ lệ đậu trái trên 65%, số lượng khoảng 15 - 26 trái/cây và đều có chiều dài, trọng lượng trái lớn hơn giống đối chứng. Phẩm chất trái đạt yêu cầu chế biến (đóng hộp) hoặc ăn tươi. Đồng thời, giống thích nghi với điều kiện trồng trong nhà màng, chịu được nhiệt độ nóng (35 - 45°C), có khả năng chống chịu được bệnh sương mai, phấn trắng.

Nghiên cứu của nhóm tác giả đã tạo ra được giống dưa leo đơn tính cái mới, giúp đa dạng giống cây trồng trong hệ thống nhà màng của khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận và hiện đã có thể cung cấp giống mới cho thị trường.