Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản ngoài khơi chủ yếu đang được triển khai trong các hệ thống lồng nổi hoặc chìm, đòi hỏi công sức bảo trì và phải thường xuyên theo dõi để phát hiện nguy cơ dịch bệnh.

Mặc dù công việc này vẫn đang do con người đảm nhận, nhưng một loại robot mới mang hình dạng rùa biển hứa hẹn sẽ trở thành giải pháp tốt hơn.

Có một thực tế mà không ai mong muốn trong nhiệm vụ giám sát trại nuôi, đó là: Khi thợ lặn bơi vào giữa bầy cá, dù chỉ vô tình song những cột bong bóng thoát ra từ bình dưỡng khí cũng có thể khiến cá bị stress (sợ hãi, căng hẳng), dẫn tới nhiều vấn đề khác về sức khỏe và ảnh hưởng chất lượng thịt. Việc sử dụng ROV (thiết bị lặn vận hành ở khoảng cách xa) tốc độ cao cũng có nguy cơ tương tự.

Thợ lặn và các thiết bị ROV tốc độ cao có thể khiến cá nuôi sợ hãi. Ảnh: National Geographic.

Thợ lặn và các thiết bị ROV tốc độ cao có thể khiến cá nuôi sợ hãi. Ảnh: National Geographic.

Trong nỗ lực đi tìm giải pháp thay thế thân thiện hơn đối với cá, Giáo sư Maarja Kruusmaa cùng các cộng sự đã nghiên cứu và thử nghiệm một loại robot mang hình dạng rùa biển, được trang bị máy chụp hình U–CAT, do Đại học Công nghệ Tallinn (TUU) tại Estonia phát triển. Ngoài ra, dự án này còn nhận được sự hỗ trợ từ một số chuyên gia của ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy (NUST).

Điểm nhấn của U-CAT là khả năng tự hành (autonomous), vì vậy nó không bị giới hạn, có thể lặng lẽ di chuyển lên/xuống hoặc tiến/lùi nhờ chuyển động độc lập của bốn chân chèo. Khi mang robot ra thử nghiệm trong lồng nuôi tại một trại cá hồi ở Nauy, Kruusmaa và nhóm của bà nhận thấy: những con cá vẫn tỏ ra rất bình tĩnh và bơi ngay gần robot như không có chuyện gì xảy ra. Điều này hoàn toàn trái ngược với thợ lặn và ROV.

Robot rùa biển đang được thử nghiệm để theo dõi trại nuôi cá hồi. Ảnh: Đại học Công nghệ Tallinn.

Robot rùa biển đang được thử nghiệm để theo dõi trại nuôi cá hồi. Ảnh: Đại học Công nghệ Tallinn.

Kruusmaa lý giải, bí mật đằng sau hiệu quả của U-CAT nằm ở kích thước nhỏ và tốc độ di chuyển chậm của nó. Còn vẻ ngoài giống rùa và sự tĩnh lặng thực ra không quá quan trọng. “Trên thực tế, robot trông chỉ giống như một động vật biển và chẳng thể gây chú ý. Nhưng đó lại là điều tốt, đồng nghĩa với việc chúng ta không cần thiết phải chế tạo những nguyên mẫu trong hình dạng cá hay rùa. Nhờ đó, việc phát triển và triển khai ứng dụng này sẽ trở nên dễ dàng và rẻ hơn”, Kruusmaa nhấn mạnh.

Kết quả của nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Khoa học mở Hoàng gia Anh (Royal Society Open Science).

Xem U-CAT hoạt động trong trại nuôi cá hồi ở video dưới đây:



Nguồn: