KS Bạch Văn Lắm, Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ TPHCM cùng các cộng sự đã nghiên cứu và phát triển giải pháp điểm danh không dây nhanh và chính xác cho những sự kiện hàng trăm người.

Hiện nay, phần lớn tại các sự kiện đông người như hội thảo, hội nghị, đại hội, việc điểm danh đại biểu vẫn được làm thủ công theo danh sách thông tin đại biểu được in ra, gây lãng phí thời gian và nhân lực phục vụ. Ngoài ra, việc điểm danh thủ công bằng giấy tờ không đáp ứng được nhu cầu thống kê số lượng đại biểu có mặt ở sự kiện một cách chính xác và nhanh chóng.

Có một số ít sự kiện điểm danh thông qua Google Form hoặc mã QRCode do ban tổ chức cấp. Tuy nhiên, cách này chưa đảm bảo thông tin được chính xác khi đại biểu nhập vào hoặc giả danh thông tin của đại biểu khác. Điều này ảnh hưởng đến việc thống kê, công bố kết quả đại biểu, đặc biệt là ở các đại hội bầu cử.

Trước thực tế đó, nhóm của KS Bạch Văn Lắm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu và xây dựng giải pháp điểm danh không dây bằng việc kết hợp đầu đọc RFID và Raspberry PI”.

Đại biểu điểm danh bằng cách quẹt thẻ từ
Đại biểu điểm danh bằng cách quẹt thẻ từ Ảnh: NVCC

Giải pháp gồm máy tính kết nối internet và bộ thiết bị đầu đọc tín hiệu RFID được tích hợp anten phát sóng và Raspberry PI (máy tính có kích thước nhỏ như một thẻ ATM, chạy hệ điều hành Linux), để tiếp nhận và xử lý dữ liệu truyền đi. Mỗi đại biểu được cấp một thẻ từ có một ID duy nhất và dán mã QR Code (vì vậy thẻ không thể làm giả được). Thẻ từ này liên kết với thông tin của đại biểu (như họ tên, mã QR Code, hình đại diện,…) được lưu trữ trên server sau khi đã mã hóa dữ liệu.

Khi đến sự kiện, đại biểu dùng thẻ từ quẹt ngang đầu đọc RFID. Lúc này, hệ thống sẽ tiếp nhận tín hiệu từ ID của thẻ từ, sau đó truyền đến bộ dữ liệu của Raspberry PI để truy vấn dữ liệu. Thông tin của đại biểu sẽ hiển thị lên màn hình máy tính (hoặc điện thoại có cài ứng dụng điểm danh).

Thông tin của đại biểu sẽ được hiển thị lên máy tính sau khi quẹt thẻ
Thông tin của đại biểu sẽ được hiển thị lên máy tính sau khi quẹt thẻ. Ảnh: NVCC

Nhóm còn xây dựng trang web để quản lý danh sách đại biểu, ngoài việc hiển thị thông tin điểm danh. Trên trang web sẽ hiển thị sơ đồ, vị trí ghế ngồi của từng đại biểu, trạng thái có mặt/vắng mặt của từng đại biểu. Hệ thống này cũng có thể được cài đặt trên điện thoại di động. Qua mã QR Code được cấp để điểm danh, đại biểu sẽ biết chỗ ngồi, các nội dung, tài liệu, hình ảnh sự kiện, thông tin phát biểu của mình,…

Giải pháp đã được áp dụng thí điểm tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 9 (năm 2020). Với hơn 300 đại biểu tham gia sự kiện, từ khi thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin đại biểu cho đến khi trả kết quả thống kê số lượng đại biểu rất nhanh (2 - 3 giây/người) và chính xác.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua và nhận được sự đặt hàng của Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ TPHCM, để tiếp tục nghiên cứu, cải thiện ứng dụng trong điểm danh đại biểu các sự kiện với quy mô lớn hơn của quận, huyện và Thành phố.