Ngoài việc quy hoạch, nâng cấp đường sá, phát triển phương tiện… thì điều phối giao thông là yếu tố rất quan trọng để giảm nạn ùn tắc. Việc áp dụng các giải pháp thông minh dựa trên công nghệ số và định vị vệ tinh đang bắt đầu được thử nghiệm áp dụng ở Việt Nam.

Bản đồ số cảnh báo kẹt xe

Không cần đặt camera ở mọi ngã tư hay chờ điện thoại báo ùn tắc, cơ quan quản lý vẫn nắm được mật độ lưu thông ở từng địa điểm trong từng thời khắc để giải quyết ùn tắc ngay khi nó bắt đầu. Đó là mục tiêu của giải pháp thông minh cảnh báo sự cố giao thông dựa trên dữ liệu GPS từ thiết bị giám sát hành trình được thử nghiệm tại TPHCM từ năm 2015.

Nói một cách dễ hình dung, nếu cộng tác viên chương trình VOV giao thông phải quan sát và báo thông tin tắc đường qua điện thoại thì cộng tác viên trong giải pháp của FPT không phải làm gì ngoài lái xe. Khi có ùn tắc, trung tâm quản lý giao thông tự biết nhờ thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe của họ.

Tình trạng giao thông ở TP HCM trưa 29/6  thể hiện trên bản đồ số trong giải pháp đang thử nghiệm của FPT. Màu đỏ thể hiện tình trạng ùn tắc, màu vàng cho thấy mật độ phương tiện cao, màu xanh chứng tỏ đường thông thoáng.
Tình trạng giao thông ở TP HCM trưa 29/6 thể hiện trên bản đồ số trong giải pháp đang thử nghiệm của FPT. Màu đỏ thể hiện tình trạng ùn tắc, màu vàng cho thấy mật độ phương tiện cao, màu xanh chứng tỏ đường thông thoáng.

TS Trần Hồng Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Giải pháp công nghệ FPT, đơn vị cung cấp giải pháp này - cho biết, thiết bị giám sát hành trình sẽ lưu lại nhiều thông số, trong đó quan trọng nhất là vị trí và vận tốc di chuyển. Dữ liệu được báo liên tục về trung tâm theo tần suất nhất định (chẳng hạn tín hiệu của xe bus được gửi về 20 giây/lần), thể hiện trên một bản đồ số cho thấy tình trạng giao thông ở mỗi địa điểm trong thời gian thực.

“Hiện ở TPHCM có 3.000 xe bus và taxi được gắn thiết bị giám sát hành trình. Dựa trên phân tích tín hiệu, người điều hành giao thông sẽ suy luận tuyến đường nào đang thoáng (xe di chuyển đều với tốc độ bình thường), tuyến đường nào đang tắc (nhiều xe di chuyển chậm và không theo quy luật)” - TS Minh cho biết.

Sau khi tín hiệu được gửi tự động về trung tâm điều hành giao thông, cơ quan quản lý nhà nước (sở giao thông vận tải, cảnh sát…) sẽ là đầu mối để tiếp nhận và kịp thời xử lý, cung cấp thông tin cho người dân qua hệ thống bảng điện tử giúp họ tránh những cung đường tắc. Ở TPHCM hiện có khoảng 50 bảng điện tử đã được FPT triển khai.

Biểu đồ Số liệu xe tham gia giao thông tại TPHCM. Nguồn: Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM
Biểu đồ Số liệu xe tham gia giao thông tại TPHCM.

“Ưu điểm lớn nhất của giải pháp này là tận dụng việc chia sẻ và khai thác dữ liệu GPS của thiết bị giám sát hành trình hiện có. Vốn dữ liệu GPS chủ yếu phục vụ quản lý và điều hành vận tải hành khách, nhưng nay được khai thác để dự báo tình trạng giao thông, phục vụ điều hành giao thông đô thị. Giải pháp này còn ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm phân tích dữ liệu lớn (big data analytics) và máy học (machine learning) để đưa ra các dự báo có tính chính xác cao, phù hợp với điều kiện giao thông thực tế” - TS Minh nói.

Xe công nghệ thông tin cho cảnh sát

Cũng dùng công nghệ GPS để giảm ùn tắc, nhưng ý tưởng của GS Trần Xuân Hoài - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học - lại là tác động vào công việc của cảnh sát để đảm bảo luật giao thông được tuân thủ nghiêm ngặt.

Cán bộ Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội đang chụp màn hình các vi phạm giao thông gửi qua điện thoại cho các cảnh sát ở gần địa bàn vi phạm. Ảnh: Lê Loan
Cán bộ Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội đang chụp màn hình các vi phạm giao thông gửi qua điện thoại cho các cảnh sát ở gần địa bàn vi phạm. Ảnh: Lê Loan

GS Hoài quyết tâm tìm giải pháp giao thông sau vụ tai nạn của nhà toán học nổi tiếng thế giới Seymour Papert trên đường phố Hà Nội cuối năm 2006, khi sang Việt Nam dự hội thảo. GS Papert bị xe máy đâm tại ngã ba Giải Phóng - Đại Cồ Việt, bị hôn mê do chấn thương sọ não chỉ ít ngày sau khi ông bàn với đồng nghiệp Việt Nam áp dụng công nghệ số để giải quyết nạn giao thông hỗn loạn ở Hà Nội.

Giải pháp của GS Hoài là theo dõi, ghi nhận và điều khiển hành trình của cảnh sát giao thông nhờ công nghệ định vị vệ tinh GPS, dữ liệu được nối mạng với trung tâm điều hành, kho bạc và các nhà quản lý. Tất cả được điều khiển tự động và tối ưu bằng các phương pháp vận trù (sử dụng các phương pháp giải tích tiên tiến như mô hình toán học, giải tích thống kê).

Xe tuần tra được thiết kế theo kiểu môtô “công nghệ thông tin”, có định vị GPS và hộp đen tự động ghi lại mọi hoạt động của cảnh sát, truyền trực tuyến về trung tâm (cảnh sát không thể can thiệp). Chiếc xe này cũng được trang bị máy phạt gồm các danh mục lỗi và số tiền phạt kèm máy in hóa đơn, nối mạng với trung tâm và kho bạc. Máy có thể đọc thẻ đăng ký xe và thẻ lưu thông.

“Ngay cả mũ cảnh sát cũng gắn camera, tai nghe và microphone, tất cả được nối mạng, làm bằng chứng nếu cần thiết” - GS Hoài giải thích và cho rằng với sự giám sát tự động này, cảnh sát và người dân đều phải tuân thủ luật, từ đó góp phần giảm ùn tắc, tai nạn. Ông đã giới thiệu giải pháp này của mình trên các diễn đàn của các chuyên gia về công nghệ số, công nghệ thông tin với mong muốn hoàn thiện để ứng dụng trong thực tế.