Dự án xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thông minh (ITS) của TP.HCM đang nhận được ý kiến quan tâm từ rất nhiều chuyên gia và người dân.
|
Đại lộ Võ Văn Kiệt là tuyến đường áp dụng mô hình trung tâm điều khiển giao thông thông minh tại TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
|
Để giải quyết vấn nạn kẹt xe, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thông minh (ITS).
Giải pháp này không phải là mới, nhiều thành phố lớn trên thế giới như Bangkok (Thái Lan) đã đưa ITS vào thực hiện và rất thành công.
Câu hỏi đặt ra là áp dụng ITS ở TP.HCM như thế nào để có hiệu quả lâu bền?
Kỳ vọngITS hiệu quả ra sao?
Thạc sĩ Nguyễn Đinh Vinh Mẫn (Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tại Việt Đức - ĐH Việt Đức) cho biết ITSbao gồm hệ thống đèn tín hiệu, camera quan sát hỗ trợ việc quan trắc các tuyến đường để thay đổi chu kỳ đèn giao thông, phân luồng giao thông cho phù hợp.
Theo ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hệ thống ITS là một giải pháp có tính nền tảng để tạo dựng môi trường về thông tin, thực hiện việc giám sát trạng thái của dòng giao thông và đối tượng lưu thông để đưa ra những quyết định điều khiển, điều hành hợp lý, kịp thời.
“Đây giống như là bộ não để kết nối tất cả các yếu tố lại với nhau và hình thành nên một chiến lược chung trong vận hành đô thị và giao thông” -ông Hùng khái quát.
Từ hệ thống này, có thể thông báo cho người dân những tuyến đường kẹt xe để họ tìm một hướng lưu thông khác thông thoáng hơn; chủ động điều chỉnh tăng/giảm lịch trình của hệ thống vận tải công cộng; tự động điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu tại các nút giao; giám sát hoạt động của hệ thống trạm thu phí ra - vào thành phố, nút giao, cửa ngõ thành phố; phân luồng từ xa những luồng giao thông kết nối và đi qua thành phố…
Hiện nay trên một số tuyến đường cũng có bảng hiệu chỉ dẫn giao thông, thông báo tình trạng đông xe hay kẹt xe của các tuyến đường.
Người tham gia giao thông ngoài việc nắm được thông tin về các tuyến đường mình sắp di chuyển đến, xác lập lịch trình đi…, còn có thể nhận được sự chỉ dẫn từ hệ thống điều khiển giao thông thông minh nếu xảy ra sự cố phát sinh trên đường, hướng dẫn bãi đỗ xe gần nhất, phương tiện giao thông công cộng nào chạy qua khu vực đó,…
Tuy vậy, theo Th.S Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, người tham gia giao thông không thường chủ động thay đổi hành vi của mình. Do vậy hệ thống ITS thường được kết hợp với việc phân làn, phân luồng của CSGT để đạt hiệu quả giao thông cao hơn.
Cần sự phối hợp với các nhóm giải pháp chống kẹt khác
Theo ông Khuất Việt Hùng, phát triển giao thông đô thị hướng đến bốn mục tiêu chính: giao thông thông suốt, an toàn, thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí.
Để đạt được bốn mục tiêu này, phải đồng bộ các yếu tố như: nâng cao kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và năng lực cần thiết; phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng; chiến lược quản lý-sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân hợp lý và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng vào những giờ cao điểm.
“Cần phải thực hiện ba nhóm giải pháp này cùng với hệ thống ITS mới mong giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nói thêm.
Về giải pháp trong dài hạn, ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần phải điều chỉnh hoạt động sử dụng và quy hoạch, quản lý đất trong đô thị để đảm bảo không làm phát sinh những yếu tố phá vỡ cấu trúc của hệ thống giao thông.
“Ví dụ tuyến đường A chỉ đáp ứng được 20.000 phương tiện/ngày mà đầu tư xây thêm 2,3 cao ốc tại khu vực đó, làm gia tăng lượng thêm 10.000 phương tiện/ngày thì dù hệ thống giao thông thông minh đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc khi năng lực hạ tầng quá thấp so với yêu cầu”, ông Khuất Việt Hùng ví dụ.
Về ưu điểm kinh tế của hệ thống ITS, ThS Nguyễn Đinh Vinh Mẫn phân tích:
“Chi phí ban đầu cho hệ thống ITS sẽ cao nhưngđem lại hiệu quả lâu dài, làm giảm ùn tắc và do đó chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn. Hệ thống này cũng giúp hạn chế yếu tố con người như thay vì CSGT phải đứng điều khiển, phân luồng dưới nắng, mưa thì nay đã có ITS, có người quan sát điều khiển giao thông từ xa”.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải Hà Nội - cũng nhấn mạnh vai trò của con người trong việc quyết định tính hiệu quả của hệ thống ITS.
“Con người ở đây là bao gồm cả người điều khiển hệ thống lẫn người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông phải tuân theo hệ thống, biết cách lợi dụng hệ thống để lựa chọn tuyến đường thông thoáng” - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói.
ITS cho vận tải hành khách công cộng Theo ThS Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, hệ thống ITS cho vận tải hành khách công cộng chủ yếu tập trung cho xe buýt vàtaxi. Xe buýt bình thường phải dừng đèn đỏ nên thường chạy chậm, hiệu quả phục vụ không cao, hơn nữa còn gây tình trạng kẹt xe. Hệ thống xe buýt nhanh BRT sẽ phối hợp với ITS ở chỗ có bộ phậncảm biến nhận biết khi xe buýt đến gần đèn tín hiệu giao thông và chuyển thành đèn xanh ưu tiên cho xe đi qua. Ngoài ra, hệ thống ITS còn bao gồm cảm biến tự động mở cửa khi có hành khách lên xe buýt và hệ thống thu tiền tự động, thay vì hành khách phải trả tiền mặt thì chỉ cần quẹt thẻ. Theo ThS Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, các ứng dụng đặt taxi trực tuyến hiện nay như GrabTaxi hay Uber cũng là một phần của hệ thống ITS. |