Phần mềm EMR do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM xây dựng, có khả năng liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế, giúp giảm chi phí khám chữa bệnh và thuận lợi trong việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử.

Trong ngành y tế, hồ sơ bệnh án được xem là tài liệu quan trọng, chứa các thông tin cần thiết để theo dõi và chữa trị cho người bệnh.

Hồ sơ bệnh án hiện nay phần lớn được ghi chép và lưu trữ dưới dạng hồ sơ giấy. Việc làm này gây nhiều bất cập như mất thời gian ghi chép, tìm kiếm, lưu trữ hồ sơ, bệnh nhân chuyển viện thường phải làm lại các xét nghiệm,… Để khắc phục những bất cập đó, đã có một số bệnh viện việc sử dụng bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, những cơ sở này mới chỉ thực hiện số hóa dữ liệu trong hồ sơ bệnh án giấy, bằng các phần mềm khác nhau. Do vậy, hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử chưa thể liên thông giữa các cơ sở y tế với nhau.

Để giải quyết bài toán kết nối các phần mềm, nhằm liên thông dữ liệu trong các cơ sở y tế, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Bách Khoa TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng, thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM, ứng dụng cho bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện”.

Phần mềm được ứn dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Phần mềm được ứn dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: NNC

Theo quy định của Bộ Y tế, hồ sơ bệnh án điện tử phải áp dụng các tiêu chuẩn như HL7 FHIR (bộ tiêu chuẩn định dạng dữ liệu văn bản trong y tế) của Mỹ, Tiêu chuẩn hình ảnh số và truyền tải trong y tế (DICOM). Trong đó, HL7 FHIR hỗ trợ trao đổi các thông tin như nhập viện/ xuất viện, chuyển viện, quản lý tài chính, trao đổi dữ liệu chăm sóc sức khỏe, dữ liệu hồ sơ y tế, thông tin bệnh án điện tử, trao đổi thông tin quản lý bệnh viện. HL7 FHIR đã được Viện tiêu chuẩn dữ liệu quốc gia Mỹ công nhận, và được áp dụng trên toàn cầu.

Dựa trên bộ tiêu chuẩn HL7 FHIR, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phần mềm EMR có những tính năng như Đăng ký bệnh nhân (tìm kiếm bệnh nhân hiện có, thêm bệnh nhân mới, ghi lại tên, thông tin lâm sàng như chiều cao, cân nặng,…); Bảng tổng quát hiển thị tổng quan về thông tin cá nhân lâm sàng của bệnh nhân (lịch sử chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, phương pháp điều trị,…. Ở tính năng dịch vụ lâm sàng, phần mềm cung cấp khả năng ghi lại, chỉnh sửa, xóa các chẩn đoán, kê đơn thuốc, nhập, xuất viện,…

zh
Hồ sơ bệnh án điện tử khi ứng dụng phần mềm EMR. Ảnh: NNC

Phần mềm EMR được 2 bệnh viện tại TPHCM (Thống Nhất và Nguyễn Tri Phương) sử dụng thử nghiệm. Kết quả cho thấy, phần mềm EMR có khả năng hiển thị và lưu trữ đầy đủ bộ hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế, cho phép nhập dữ liệu và in ra các mẫu giấy phiếu. Đồng thời, xuất dữ liệu ra định dạng XML theo chuẩn dữ liệu HL7 FHIR.

Phần mềm cũng có khả năng liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế và phòng ban khác nhau trong bệnh viện. Trên EMR, dữ liệu bệnh nhân đang điều trị khoa này có thể được truy cập ở khoa khác. Ngoài ra, dữ liệu còn có thể đồng bộ từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, nhờ đó có thể xem hồ sơ bệnh án và thông tin bệnh nhân một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Theo TS Nguyễn Chí Ngọc, Chủ nhiệm đề tài, phần mềm giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh, như hạn chế phải thực hiện các yêu cầu cận lâm sàng nhiều lần. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng giảm được chi phí in ấn, lưu trữ hồ sơ,... Các cơ quan quản lý y tế tiết kiệm được chi phí và thuận lợi hơn trong việc thống kê, đánh giá tình hình bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh,…

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu.