Theo các chuyên gia tài chính, hệ sinh thái các dịch vụ tài chính dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ nét nhưng đó chính là cơ hội để các ý tưởng Fintech mới phát triển.
Khoảng trống thị trường dịch vụ tài chính
Chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp trên cả nước và đóng góp từ 30-40% GDP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ở khu vực chính thức như ngân hàng.
Đây không phải là vấn đề mới nếu nhìn từ phía cung. Các ngân hàng truyền thống luôn có cấu trúc cho vay rất rõ ràng – tỷ lệ cho vay hoặc cấp vốn để thuê mua thiết bị nhà xưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp lớn, đồng thời tỷ lệ cho vay vốn trung và dài hạn cũng thấp hơn so với cho vay ngắn hạn. Một cách tổng quan, các ngân hàng ‘ưa thích’ doanh nghiệp lớn.
TS. Lương Thái Bảo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nói rằng, điều này có thể lý giải. Bởi chi phí biên mà ngân hàng phải bỏ để tìm kiếm và phục vụ một khách hàng mới là khá cao, do đó, họ có xu hướng phục vụ ít khách hàng lớn hơn là nhiều khách hàng nhỏ nếu vẫn thu được lợi nhuận tương đương. Vì hiện tượng thông tin bất đối xứng (tức người đi vay luôn biết rõ về tình hình của mình hơn người cho vay) nên ngân hàng luôn phải tìm cách hiểu khách hàng của mình nhất có thể bằng việc đặt ra những yêu cầu về báo cáo tài chính, giấy tờ chứng minh năng lực khi làm hồ sơ cho vay. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu kinh nghiệm, tuổi đời và nguồn lực nên không đủ khả năng cung cấp thông tin tín dụng đầy đủ cho các dịch vụ tài chính của ngân hàng.
So với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng thiếu kiến thức, kỹ năng và hệ thống để quản lý tài chính của mình một cách hiệu quả hơn, nên trong mắt ngân hàng, họ có rủi ro cao hơn và phải chịu mức lãi suất cao hơn. Ngoài ra, ở những nước có nền tài chính kém phát triển thì tài sản đảm bảo cũng là yêu cầu bắt buộc. Đó chính là một trong những rào cản lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận vốn nhưng không có hoặc có rất ít tài sản trong tay.
Ở mức độ nào đó, hệ thống tài chính của Việt Nam đang cố gắng cùng các doanh nghiệp giải bài toán này. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “
Tương lai của Fintech vì sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” trong khuôn khổ Cuộc thi Finnovation 2022 diễn ra hôm 16/6, thì những cách thức từ phía ngân hàng trong vòng 5-10 năm nay không giải quyết được vấn đề này một cách hiệu quả và chúng đang “tạo ra những khoảng trống về nhu cầu, đòi hỏi phải có thêm những người chơi mới để hỗ trợ”.
Fintech có thể là một trong những người chơi đó. Trong vòng năm năm trở lại đây,Việt Nam đã chứng kiến làn sóng gia nhập ồ ạt của các công ty cung cấp các dịch vụ tài chính mới trên nền tảng công nghệ cao được gọi là Fintech. Theo Tạp chí Ngân hàng, những tay chơi này đã nhận được sự chào đón tích cực từ công chúng và những hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư với kỳ vọng có thể định hình lại cấu trúc thị trường dịch vụ tài chính vốn đang được những tổ chức truyền thống chiếm đóng. Giá trị giao dịch Fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng, từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên tới gần 13 tỷ USD năm 2021.
Bằng công nghệ, Fintech có tiềm năng giải quyết một loạt các điểm nghẽn của thị trường, TS. Lương Thái Bảo nhận xét. Dẫn lại một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, ông chỉ ra các giải pháp khác nhau cho những nút thắt cổ chai mà quan hệ ngân hàng—SME đang gặp phải. Chẳng hạn, các công ty Fintech có thể sử dụng công nghệ tự động hóa, định danh điện tử, hoặc xây dựng các dịch vụ trên thiết bị mobile để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin tín dụng với chi phí thấp nhất trong khi ngân hàng cắt bỏ được chi phí xây chi nhánh, tìm kiếm, tiếp cận và phục vụ khách hàng mới.
Ngoài ra, các công ty Fintech có thể trở thành đơn vị thu thập và cung cấp các dữ liệu thay thế khác nhau về SME để các ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc đối tác xuất nhập khẩu có thể đánh giá về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, trên cơ sở đó đưa ra những quyết định cấp vốn tín dụng thương mại, cho vay hoặc báo giá hợp đồng bảo hiểm ngay cả khi doanh nghiệp không đưa ra được hồ sơ tín dụng đầy đủ.
FiinGroup là một startup điển hình như vậy. Là tổ chức thứ hai được cấp phép để thực hiện đánh giá tín nhiệm ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Hiệu - Giám đốc Hoạt động của FiinGroup cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 năm 2021, công ty đã được các đối tác nước ngoài ủy quyền để đánh giá và ‘khám sức khỏe’ cho khoảng 15.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam mà các đối tượng này hoàn toàn không biết.
“Chúng tôi không có tương tác gì với doanh nghiệp để đảm bảo sự độc lập trong đánh giá và dữ liệu cũng không lấy từ doanh nghiệp mà từ các nguồn thứ ba chính thống, hợp pháp. Năm 2022, công ty dự tính sẽ nâng con số này lên 20.000 doanh nghiệp SME”. Ông Hiệu nói rằng việc đánh giá đó không chỉ giúp cho doanh nghiệp SME định vị được vị thế của họ trên thị trường và có được thông tin phục vụ cho việc tiếp cận tài chính, đấu thầu, lập kế hoạch kinh doanh,… mà còn giúp cho các công ty cung cấp dịch vụ tài chính có thể thẩm định để đảm bảo quá trình cấp tín dụng, hợp tác, M&A diễn ra nhanh và khách quan hơn.
Khi có trong tay dữ liệu, các công ty Fintech có thể dùng công nghệ ML/AI để phân tích và phân hạng khách hàng, từ đó thiết kế ra những sản phẩm tài chính may đo theo mục tiêu. Cá thể hóa các dịch vụ tài chính cũng đang là nhu cầu mới nổi của khách hàng toàn cầu. Theo khảo sát của EY, có tới 72% bên mua (doanh nghiệp) mong rằng các sản phẩm của ngân hàng sẽ không chỉ là ‘offer menu’ cho tất cả các đối tượng mà còn phải tập trung kỹ hơn vào nhu cầu riêng biệt của họ. Điều này có thể khó khăn nếu đặt ra trong bối cảnh 10-15 năm trước, nhưng giờ đây, những thay đổi đến từ sự đột phá công nghệ và chuyển dịch hành vi khách hàng đã khiến chúng trở thành xu hướng không thể đảo ngược.
Trong khi đó, bà Trương Hồng Liên - Giám đốc Tư vấn Chiến lược và Chuyển đổi số của EY Consulting Vietnam nói thêm rằng, khác với các doanh nghiệp lớn đã có cơ cấu rất hoàn thiện và quy trình nội bộ đầy đủ, các SME còn rất nhiều điều chưa ổn về mặt quản trị. Chính vì thế, những người chơi mới nếu muốn phục vụ SME phải lưu ý giữa việc kết hợp chào bán các sản phẩm liên quan đến tài chính (cho vay, tiền gửi, đánh giá tín nhiệm…) với những sản phẩm phi tài chính kèm theo nhưng mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, bao gồm thông tin kinh doanh, thị trường, pháp lý, quản trị… Có như vậy, họ mới đồng hành và giữ chân được doanh nghiệp lâu dài.
Đứng ở đâu trong hệ sinh thái?
Mặc dù có nhiều tiềm năng, hệ sinh thái các dịch vụ Fintech ở Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ rệt. Xét theo cơ cấu, dịch vụ thanh toán và cho vay ngang hàng đang là hai phân khúc thống trị thị trường Fintech (chiếm gần một nửa tổng tỷ trọng), trong khi các dịch vụ khác như quản lý tài sản, quản lý dữ liệu/chấm điểm tín dụng, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính SMEs… vẫn còn rất ít ỏi, theo báo cáo Fintech News Singapore năm 2021.
Trong khoảng trống của thị trường phục vụ cho SME, Fintech cũng không phải là tay chơi duy nhất. Bà Trương Thị Hồng Liên chỉ ra rằng, mặc dù các ngân hàng đang mất dần vị thế thống trị nhưng họ cũng đang cố gắng chuyển mình để bắt kịp cuộc chơi khi nhìn thấy gần 1/3 doanh thu sẽ biến mất vào các mô hình tài chính mới từ nay đến năm 2025. Các ngân hàng đang triển khai một loạt các hoạt động số hóa đối với những sản phẩm và dịch vụ của mình nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Họ cũng bắt đầu áp dụng nhiều quy trình nghiệp vụ mang tính đột phá - từ nhận diện mống mắt cho tới trí tuệ nhân tạo (AI) – để giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả phục vụ cho những nhu cầu riêng biệt của doanh nghiệp.
Bên cạnh ngân hàng truyền thống là những thương hiệu ngân hàng số mới. Timo và TNEX là hai cái tên quen thuộc trong những năm gần đây. Họ được coi là những ngân hàng “neo-bank” - chỉ hiện diện trên kênh số hóa, mọi hoạt động của khách hàng đều diễn ra trên ứng dụng điện tử và người dùng có thể kiểm soát và cá nhân hóa mọi hành trình trải nghiệm của mình. Ở Việt Nam, các thương hiệu ngân hàng số thường vẫn phải dựa vào ngân hàng truyền thống để có được giấy phép cung cấp dịch vụ một cách chính thống nhưng hoạt động của chúng đã vượt xa những gì ngân hàng truyền thống đang làm để hướng tới tập khách hàng của tương lai – những người đang sống hoặc sinh ra trong thời đại số như Gen Y, Gen Z và Gen Alpha.
Và người chơi lớn thứ ba, đó chính là những công ty công nghệ vốn có nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ và có khả năng phân tích, cá nhân hóa các dịch vụ chào đến khách hàng. Những công ty này – điển hình trên thế giới là Google, Facebook hoặc ở Việt Nam là các tập đoàn viễn thông lớn Viettel, Mobifone, Vinaphone đang nắm trong mình giấy phép thử nghiệm về mobile money – sẽ góp phần cung cấp hàng loạt dịch vụ tài chính mới mà trước đây hệ thống ngân hàng truyền thống khó lòng phục vụ.
Trong bối cảnh thị trường của Fintech vẫn còn “nhỏ bé” thì bà Trương Hồng Liên cho rằng, các startup Fintech có nhiều đường đi khác nhau nhưng lý tưởng nhất vẫn là bắt tay với những người chơi lớn để cùng phát triển. Họ có thể hợp tác với một trong ba nhóm người chơi quan trọng kể trên để giải quyết một vài khâu vướng mắc quan trọng trong những nút thắt về dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp, từ đó giúp các đối tác cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp. Hoặc, với lợi thế sáng tạo, khả năng di chuyển nhanh và nhạy bén trước các nhu cầu thị trường, bản thân các công ty Fintech cũng có thể tự mình đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới tới người dùng cuối cùng nếu điều kiện luật pháp cho phép.