Năm 2014, Đông Nam Á có 3 startup kỳ lân. Con số này giờ tăng lên hàng chục và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Năm 2021, Đông Nam Á xuất hiện một loạt startup kì lân | Ảnh: Shutterstock
Năm 2021, Đông Nam Á xuất hiện một loạt startup kỳ lân | Ảnh: Shutterstock

Chỉ riêng năm 2021, bất chấp đại dịch, Đông Nam Á đã chứng kiến 19 công ty được định giá trên 1 tỷ USD, phần lớn xuất hiện ở Singapore và Indonesia, nhưng không có đại diện nào của Việt Nam, theo báo cáo của Credit Suisse hồi đầu tháng 10.

Tính đến nay, chính thức Việt Nam mới chỉ có 2 kỳ lân là VNG và VNPay, lần lượt trở thành công ty tỷ đô vào năm 2014 và 2020. Hai công ty khởi nghiệp MoMo và Tiki được dự đoán sẽ chuẩn bị đạt mức giá trị 1 tỷ USD trong thời gian ngắn sắp tới.

Khoảng 25% số kỳ lân hiện có của Đông Nam Á thuộc về lĩnh vực Fintech, 20% ở thương mại điện tử, tiếp đó là hậu cần (11%) và các công nghệ dựa trên Internet (8%). Hầu hết các kỳ lân có mô hình kinh doanh lấy người tiêu dùng là động lực (B2C), chỉ một số ít công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh với doanh nghiệp (B2B).

Việc số người sử dụng Internet tăng cao cũng đem đến những cơ hội thành công to lớn cho các công ty phát triển dựa trên công nghệ ở Đông Nam Á. Theo một báo cáo gần đây của Google, Temasek và Bain & Company, 6 nền kinh tế lớn ở khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – đã tăng thêm 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Lượng người thực sự mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến cũng tăng từ 280 triệu lên 350 triệu.

Con số này cao hơn so với 150 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số ở Ấn Độ, nơi mà người dân có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhưng số lượng kỳ lân lại đông hơn. Nói cách khác, nền kinh tế bán lẻ trực tuyến của khu vực Đông Nam Á lớn hơn nhiều so với Ấn Độ mặc dù dân số ít hơn một nửa.

Báo cáo của Credit Suisse và báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company đều cho biết, Covid-19 đã tác động tích cực đến một số lĩnh vực như Fintech và thương mại điện tử. Các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ phải chuyển việc thanh toán và bán hàng của mình lên những kênh kỹ thuật số. Điều quan trọng là xu hướng này dự kiến còn ở lại lâu dài, ngay cả khi đại dịch chấm dứt, bởi người tiêu dùng đã quen với sự thuận tiện và chi phí thấp.

Trong khi đó, nhiều chính phủ trong khu vực đã đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số, hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, nhiều nước như Indonesia, Malaysia và Việt Nam cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa các doanh nghiệp truyền thống ra nhập vào nền kinh tế số hiệu quả hơn.

Các công ty kỳ lân ở Đông Nam Á | Nguồn: Atraits Times  - Việt hóa: Ngô Hà
Các công ty kỳ lân ở Đông Nam Á | Ảnh: Straits Times - Việt hóa: Ngô Hà

Joonpyo Lee, giám đốc điều hành của Softbank Ventures Asia, nhận thấy rằng không có gì là bất thường khi một công ty khởi nghiệp Đông Nam Á ngày nay vươn ra thị trường châu Á hoặc toàn cầu. Ông cho rằng Đông Nam Á đang thu hút được sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư quốc tế.

Về cơ bản, các quỹ tư nhân đều cần tìm đến những thị trường thuận lợi và có tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi Trung Quốc hiện đang thắt chặt kiểm soát với những công ty công nghệ lớn khiến nhiều nhà đầu tư phải xem xét lại rủi ro khi rót vốn vào những công ty công nghệ ở đây, thì Đông Nam Á hay Ấn Độ nổi lên là những thị trường tiềm năng mới.

Hiện tại, số tiền mà các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á huy động được trong 9 tháng đầu năm 2021 đã đạt 17,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái. Theo dự báo, con số của cả năm 2021 có thể đạt mức 20 tỷ USD.

“Việc xuất hiện những kỳ lân mới ở Đông Nam Á cũng là một động lực cho các nhà đầu tư trong khu vực và toàn cầu rót thêm vốn vào đây”, chị Nguyễn Thu Thảo, giám đốc đầu tư Thinkzone Ventures, nhận xét. Chia sẻ với KH&PT hồi cuối tháng 10, chị cho rằng Việt Nam đang là điểm đến của không ít nhà đầu tư quốc tế, tuy vậy hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn đang trong giai đoạn xây móng, do đó chưa xuất hiện nhiều startup kỳ lân.

“Việc có được kỳ lân ở Việt Nam là điều cần thiết, bởi những hình mẫu thành công được mọi người công nhận như thế sẽ là động lực rất lớn cho các nhà sáng lập bước tiếp trong hành trình khởi nghiệp gian nan của mình", chị nói, "Tuy nhiên, kỳ lân là câu chuyện ở trên nóc, trong khi một hệ sinh thái mạnh cũng cần một nền tảng vững chắc - đó là những công ty khởi nghiệp có chất lượng tốt ngay từ vòng seed hoặc series-A, các quỹ đầu tư lớn, các bạn trẻ tài năng và một môi trường pháp lý thuận lợi. Nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng hệ sinh thái của mình tốt đẹp thì dần dần, sau 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều kỳ lân hơn.”