Nằm tại Bình Đông – vùng chuyên canh nông, ngư nghiệp và thủy sản của Đài Loan, NPUST cũng là cơ sở nghiên cứu đứng trong top đầu đảo quốc về phát triển giống, di truyền, bệnh học, … Đại diện của trường cho biết, NPUST chính là nơi đầu tiên trên thế giới đào tạo sau đại học (bậc thạc sỹ và tiến sỹ) về chuyên ngành cá cảnh – chương trình International Program in Ornamental Fish Technology and Aquatic Animal Health. Trường đang tham vọng xây dựng một cơ sở R&D đẳng cấp thế giới, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với khu vực công nghiệp, để thu hút nhân tài và tri thức.
Mặc dù chưa có nhiều sinh viên do chương trình mới được thành lập, nhưng NPUST tin tình hình sẽ sớm khởi sắc trong những năm tới. Lĩnh vực nghiên cứu của chương trình rất rộng, bao gồm công nghệ nhân giống & phát triển các loài mới; chế tạo thiết bị & vật liệu liên quan; phòng ngừa & điều trị bệnh; bên cạnh xây dựng chiến lược kinh doanh & tiếp thị đối với mặt hàng cá cảnh, …
Trong một tầm nhìn mang tính quốc tế, tất cả những bài giảng của chương trình sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh. Trong số hơn 20 giảng viên, bao gồm cả các giáo sư thỉnh giảng, có đến 7 người tới từ các đối tác đại học uy tín thế giới như ĐH Stirling (Anh Quốc), ĐH. Cornell (Mỹ), ĐH Miyazaki và ĐH Khoa học & Công nghệ Hàng hải Tokyo (Nhật Bản). Ngoài ra, chương trình cũng sẽ thường xuyên tổ chức những đợt thăm quan, trao đổi, giao lưu và hợp tác nghiên cứu.
“Chúng tôi rất coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ gửi sinh viên đi đào tạo và thực tập ngắn ngày tại Hiroshima, nơi cực kỳ nổi tiếng trong lĩnh vực nhân giống Koi”, GS. Chen cho biết.
Chương trình cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các sinh viên đầu tiên. “Tôi rất mừng vì có cơ hội được học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu thế giới,” Phan đến từ Việt Nam cho biết. Ở quê nhà, anh từng công tác tại một cơ sở nghiên cứu, và tới đây để theo đuổi những tri thức chuyên sâu trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, phát triển vắc-xin, ... Miguel, đến từ Mỹ Latinh, cũng đang tập trung vào đề tài bệnh học. “Sau khi tốt nghiệp, tôi muốn trở về quê hương và mang những gì đã học được ra đóng góp vào sự phát triển tại đó,” anh nói.
Cá cảnh là sản phẩm có thị hiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian, từ nơi này sang nơi khác. Chẳng hạn, cá Koi hiện đang là cơn sốt tại Trung Quốc, nhưng không ai dám chắc mốt của 10 năm sau sẽ là gì. Ngoài ra, còn phải nhắc đến sự khác biệt đáng kể về điều kiện khí hậu và môi trường nuôi trồng, cho nên việc phát triển và nhân giống tại chỗ các loài chính là chìa khóa.
Hoạt động nhân giống thủy sản đã phát triển từ lâu tại Đài Loan, nhưng phải đến năm 2003, người ta mới thật sự quan tâm tới cá cảnh. Nhận thức được cơ hội từ một thị trường đầy tiềm năng, các cơ sở nghiên cứu trên khắp đảo quốc bắt đầu chạy đua phát triển những loài cá và thủy sản cảnh độc đáo (VD: dự án giống cá ngựa vằn có những sọc màu huỳnh quang của Đại học Quốc gia Đài Loan), giúp Đài Loan tăng cường sự hiện diện quốc tế.