Họ là những “cây đa cây đề” trong kinh doanh, đã gặt hái được những thành tựu nhất định. Nhưng hình như, cái “máu” khởi nghiệp vẫn cứ cháy, và khi mà những người trẻ còn đang loay hoay tự hỏi “mình là ai trên bản đồ khởi nghiệp thế giới”, họ… lặng lẽ cày bừa.
Tôi nhận được thư của BravoHR – một công ty khởi nghiệp chuyên ngành HR-Tech, nói nôm na là ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quản trị nhân sự. BravoHR theo đuổi một chức năng nhỏ nhưng quan trọng vô cùng trong doanh nghiệp: truyền thông nội bộ và chế độ đãi ngộ. Ứng dụng của họ làm được nhiều thứ, nghe có vẻ hay ho, hấp dẫn, nhưng sẽ cứ mãi là một công ty khởi nghiệp mê say cho đến ngày có một “chiến binh” thực thụ xuất hiện: chị Tiêu Yến Trinh – cái tên lừng lẫy suốt thập kỷ qua trong ngành quản trị nhân sự.
Tiêu Yến Trinh chọn BravoHR, có lẽ vì… thấy thương các bạn, cũng có thể vì thấy đây là tương lai của ngành nhân sự, hoặc đơn giản là vì muốn đóng góp cho cộng đồng. Nhưng cách mà chị ngồi cùng team, bốc điện thoại lên gọi bốn phương tám hướng, làm việc quần quật, làm cho các nhà sáng lập trẻ tuổi… thấy mình còn thua xa về sức chiến đấu. Từ lúc có chị Trinh tham gia, rõ ràng nguyên đội ngũ BravoHR bỗng nhiên… cày ải hăng say hơn nhiều.
Tôi lại nhận được thư của một quỹ đầu tư mạo hiểm mới tinh của nước ngoài mới tham gia thị trường Việt Nam. Họ gửi kèm một bảng câu hỏi rất dài, muốn tìm hiểu sâu về… nhân thân của một ông anh – vốn là anh cả của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nhiều năm về trước. Giật mình, vì nghĩ rằng anh đã ổn định lắm rồi, gia sản cũng tốt lắm rồi, có thể ung dung đi dạy học cho vui rồi đi chạy bộ với bạn bè, đâu có dè, ông anh lại lụi cụi… khởi nghiệp tiếp tục. Bức thư của quỹ đầu tư, ghi rất rõ: thư thăm dò nhân thân đã được sự đồng ý của đương sự. Chà, đúng là ông anh cả của mình đi khởi nghiệp thật sự, chứ không thì đời nào đã tới đẳng cấp này mà còn cho người ta đi đánh giá y như đi… xin việc. Mà đúng là khởi nghiệp, nên chấp nhận luật chơi mới, chấp nhận thực tế của thị trường, chứ chẳng cao ngạo xênh xang gì. Tôi thực sự có chút mong chờ ngày công ty khởi nghiệp của ông anh mình ra mắt…
Hơn mười giờ đêm, tiện đường, tôi ghé qua văn phòng của một “đại ca” khác, người mà hơn 20 năm trước đã là nhà đầu tư chứng khoán thành công khi hầu hết chúng tôi chưa biết món này là gì. Ghé để nhận một cuốn sách mới về fintech mà anh có viết vài dòng trên Facebook là cần phải đọc. Không tin được, là cả văn phòng của anh vẫn sáng đèn, dù máy lạnh của toà nhà đã tắt từ lâu. Hỏi ra mới biết, quy định thuê nhà là sau 19h, máy lạnh sẽ tắt, muốn mở riêng phải trả thêm tiền. Nhưng nguyên đội công nghệ, pháp lý và cả marketing của công ty chấp nhận ngồi làm việc… không máy lạnh, bởi lẽ “tụi anh làm khởi nghiệp mà, nương nhau mà sống, đâu có tốn tiền cho mấy thứ không quá quan trọng này”. Thấy một bạn “siêu nhân” về trí tuệ nhân tạo cũng có tiếng trên giang hồ, ngồi ở góc phòng, ăn vội hộp cơm cuối ngày, hiểu là danh mục công việc của hôm đó vẫn còn… dài.
Viết tới đây, chợt muốn nhẩm đếm thử mình biết bao nhiêu “chiến binh lão thành” kiểu này. Hóa ra nhiều vô kể. Là anh Nguyễn Anh Nguyên, 20 năm trước đã là phó chủ tịch phụ trách công nghệ thông tin của Unilever, sau về làm phó chủ tịch Masan group. Cả hai cái chức này, cộng với một phần tư thế kỷ lăn lộn, ổng có… thiếu gì nữa đâu. Vậy mà nhiều lúc trời gần sáng, thấy nút chat vẫn sáng đèn, tò mò gọi thử, hóa ra ổng vẫn đang ngồi… code. Trời ơi, sao không để việc lập trình cho mấy bạn trẻ, anh làm chiến lược thôi chứ. Ổng cười vang: “Mày làm khởi nghiệp mà không lăn vào làm cùng anh em thì có mà toi à. Làm tất tần tật mọi thứ như anh mày mà vẫn còn thấy muôn vàn khó khăn kìa em ơi…”. Nghe nói mạng xã hội ẩm thực Hatto của ổng ra đời cũng nhiều tiếng vang. Mà đúng là, khởi nghiệp, là gắn liền với… đủ mọi thách thức phía trước. Là anh James Trần, từ Mỹ về Việt Nam cũng hơn một thập niên qua, làm lãnh đạo một quỹ đầu tư mạo hiểm loại xịn xò, xong quản lý tùm lum thứ cũng đỉnh cao. Giờ mở cái platform gọi vốn cộng đồng, thấy tả xung hữu đột khắp các mặt trận. Là anh Hồ Sơn, từng là chủ của chuỗi cửa hàng thời trang Foci lên đến hơn 100 tiệm từ Nam ra Bắc, từ Campuchia đến Mỹ, giờ vẫn miệt mài đứng lớp, đi thuyết trình với khách hàng cho một giấc mơ khác mang tên FaiFo Franchise mang mô hình may đồ vest của Hội An đi vòng quanh thế giới…
Lại nghĩ, mấy chiến binh lão thành này, sao độ cày cuốc lại có vẻ… hơn người trẻ thế này. Mới hiểu ra, chẳng phải là gừng càng già càng cay đâu, mà bởi họ đã đi qua những thăng trầm của thương trường, đi qua luôn những hào quang của đời doanh thương, nên hiểu rõ giá trị của sự cần cù, kiên trì và việc phải bắt tay vào làm cùng đồng đội. Khởi nghiệp, chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả với những… chiến binh lão thành.
Mình lại thấy mình càng cần phải… cày nhiều hơn.