Grab tự gọi mình là “siêu ứng dụng” (super-app) đầu tiên của Đông Nam Á, và thuật ngữ này giờ đây đã trở thành một cái ‘mác' được các nền tảng cung cấp dịch vụ tiêu dùng hướng đến.
Mục tiêu của các công ty là giữ cho người dùng ứng dụng của họ nhiều phút nhất có thể mỗi ngày, từ đó tạo ra nhiều giao dịch hơn. Ảnh: marketingweek
Đầu năm nay, nền tảng công nghệ du lịch Traveloka ra mắt tính năng QuickRide cho phép người dân tại 16 thành phố ở Indonesia đặt xe taxi từ Bluebird - nhà cung cấp dịch vụ taxi hàng đầu trong nước. Động thái này không có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh những công ty ở Đông Nam Á đang cạnh tranh phát triển các siêu ứng dụng của riêng họ, mục tiêu sau cuối là giữ cho người dùng ứng dụng của họ nhiều phút nhất có thể mỗi ngày, từ đó tạo ra nhiều giao dịch hơn.
Trước Traveloka, Shopee cũng hợp tác tương tự với Blue Bird nhằm mở rộng các dịch vụ tiêu dùng bên cạnh những dịch vụ cốt lõi (với Traveloka là đặt phòng khách sạn và chuyến bay trực tuyến, còn với Shopee là thương mại điện tử). Ngoài ra, cả hai công ty đều phát triển sang lĩnh vực fintech: Traveloka đã giới thiệu tính năng PayLater vào năm 2018 và ShopeePay chính thức hoạt động vào năm 2019.
Chưa dừng lại ở đó, năm ngoái, cả Traveloka và Shopee đều triển khai dịch vụ giao đồ ăn với tên gọi Eats Delivery và ShopeeFood. Chỉ trong năm đầu tiên hoạt động, ShopeeFood đã giành giật thị phần của GrabFood và GoFood của Gojek - mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp hai thương hiệu dẫn đầu này. Năm 2021, GrabFood kiểm soát 49% thị trường giao đồ ăn của Indonesia, theo sau là GoFood với 43% và ShopeeFood với 8%.
Ngoài ra, Traveloka cũng đang đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ xa. Gần đây, công ty này giới thiệu một tính năng cho phép người dùng tham vấn ý kiến bác sĩ trực tuyến, đặt lịch xét nghiệm COVID-19 và hẹn khám sức khỏe.
Chúng ta có thể nhận thấy xu hướng chung của các ứng dụng tiêu dùng lớn trong khu vực: sử dụng cơ sở người dùng lớn của họ để cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng — gọi xe, fintech, thương mại trực tuyến và giao thức ăn. Grab tự gọi mình là “siêu ứng dụng” đầu tiên của Đông Nam Á, và thuật ngữ này giờ đây đã trở thành một cái ‘mác' được các nền tảng cung cấp dịch vụ tiêu dùng hướng đến.
Cơ hội nào cho người đến sau?
Siêu ứng dụng là gì mà các startup lớn lại mong muốn trở thành đến thế? Thực chất, thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên để mô tả WeChat, một ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc với khoảng 1,2 tỷ người dùng. WeChat kết hợp nhắn tin, thanh toán, thương mại điện tử và rất nhiều các tiện ích khác, giúp nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người Trung Quốc. Những công ty như Facebook đã cố gắng xây dựng các ứng dụng tương tự cho người dùng toàn cầu, nhưng hiện chưa có ứng dụng nào thành công như vậy.
Ở Đông Nam Á, Grab và Gojek dù mang danh nghĩa “siêu ứng dụng" nhưng chúng vẫn không đa dạng tính năng như WeChat. Song Grab và Gojek vẫn là hai nhà phát triển siêu ứng dụng lớn nhất trong khu vực. Hiện tại, đã có nhiều đối thủ bắt đầu xuất hiện và tham gia vào đường đua. Năm 2020, hãng hàng không giá rẻ AirAsia có trụ sở chính tại Malaysia đã giới thiệu “Siêu ứng dụng Đông Nam Á dành cho tất cả mọi người”. AirAsia sẽ sớm triển khai dịch vụ gọi xe, giao hàng tạp hóa và chuyển phát nhanh bưu kiện tại Indonesia. Hãng này đã cho ra mắt các dịch vụ gọi taxi và giao đồ ăn tại Malaysia và Singapore.
“Các siêu ứng dụng thường khởi đầu từ một nền tảng nhắn tin. Ví dụ như WeChat ở Trung Quốc và Kakao Talk ở Hàn Quốc, đó là những công ty thống trị ở các quốc gia nơi nó sinh ra”, Bhima Yudhistira Adhinegara - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS), Jakarta - cho biết, quỹ đạo phát triển của các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á cũng tương tự như ở Trung Quốc.
Adhinegara tin rằng cuộc chạy đua để phát triển thêm các siêu ứng dụng có thể mang lại lợi ích cho người dùng - họ sẽ không cần tải xuống hàng tá ứng dụng để giải quyết nhu cầu hằng ngày mà chỉ cần dùng một ứng dụng all-in-one. Đồng thời, họ có thể tận dụng các chương trình khuyến mãi chéo hoặc giảm giá do các nền tảng cung cấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc các ứng dụng được sử dụng rộng rãi với nhiều dịch vụ lưu trữ sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu khai thác một lượng lớn dữ liệu cá nhân thông qua các quảng cáo. Và nếu ai đó xâm phạm được vào dữ liệu của nền tảng, người dùng có thể trở thành nạn nhân của các vụ vi phạm dữ liệu. Điều này đã xảy ra với Tokopedia vào năm 2020, khi 91 triệu dữ liệu của người dùng bị tin tặc đánh cắp và chia sẻ.
Theo Adhinegara, nhiều ứng dụng cạnh tranh với nhau đồng nghĩa với việc người dùng có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, Grab và Gojek vẫn là những thương hiệu đi đầu trong cuộc đua siêu ứng dụng, bởi họ đã kiểm soát được thị trường đặt xe và giao đồ ăn. Hiện tại, Shopee, Traveloka và AirAsia vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn có được danh hiệu “siêu ứng dụng”.
Nguồn: