Báo cáo bị gỡ bỏ chưa đầy 1 tuần sau khi được công bố.

Báo cáo có tiêu đề Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong Công nghệ: Phân tích và Triển vọng, viết bằng tiếng Trung, cảnh báo Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ nếu mối quan hệ hợp tác công nghệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi. Theo Báo cáo, Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ về các công nghệ quan trọng - đặc biệt là chất bán dẫn cao cấp, hệ điều hành và phần mềm, cũng như hàng không vũ trụ.

Báo cáo dài tám trang được công bố ngày 30/1, và tạp chí Science đã lưu lại một bản trước khi báo cáo bị gỡ xuống. Đại học Bắc Kinh nói rằng báo cáo là phiên bản tóm tắt từ một nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của mình đang thực hiện. Nghiên cứu do Chủ tịch IISS Wang Jisi giám sát, với sự đóng góp của một nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Bắc Kinh và hai trợ lý nghiên cứu của IISS. Cả Wang và IISS đều không trả lời các câu hỏi từ trang tin ScienceInsider. "Đây đều là các tác giả nổi tiếng và được kính trọng trong và ngoài Trung Quốc," Brad Farnsworth, chuyên gia giáo dục đại học quốc tế tại công ty tư vấn Fox Hollow Advisory, cho biết.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu phân tích các số liệu như trích dẫn khoa học, xu hướng dịch chuyển của các nhà nghiên cứu, bằng sáng chế và chi tiêu quốc gia cho R&D và đánh giá sức mạnh của hai nước trong ba lĩnh vực công nghệ: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, và hàng không vũ trụ. Kết quả, báo cáo đánh giá Mỹ rõ ràng dẫn đầu trong các lĩnh vực như mạch tích hợp, hệ điều hành máy tính, chip AI và thuật toán. Trung Quốc có vị trí vững chắc trong lĩnh vực truyền thông di động thế hệ tiếp theo, nhận dạng khuôn mặt và giọng nói, và thị giác máy tính. Về hàng không vũ trụ, "Mỹ hoàn toàn dẫn đầu", các tác giả viết. Tóm lại, Trung Quốc đang "đi sau Mỹ trong hầu hết các lĩnh vực, song hành với Mỹ trong một số ít lĩnh vực và dẫn đầu trong rất ít lĩnh vực," theo báo cáo. Những đánh giá này nhất quán với kết quả báo cáo The State of U.S. Science and Engineering 2022 của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.

Trong ảnh: Ngày 30/12/2021, tên lửa phòng không Long March 3B mang theo một vệ tinh thử nghiệm chuẩn bị phóng. Mặc dù Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, Mỹ vẫn “hoàn toàn dẫn đầu” về công nghệ hàng không vũ trụ,
theo một báo cáo của Đại học Bắc Kinh.

Bản thân các kết quả đánh giá này không gây ngạc nhiên cho những người theo dõi mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng "tôi thấy thật ngạc nhiên trước việc Trung Quốc để cho báo cáo này được công bố", theo Denis Simon, chuyên gia về chính sách khoa học Trung Quốc tại Đại học Duke. Hiếm khi Trung Quốc thừa nhận các lỗ hổng công nghệ của mình, theo Simon, rất có thể báo cáo đã bị gỡ bỏ vì lý do chính trị.

Một số kết luận trích từ báo cáo IISS:

“Sức mạnh công nghệ tổng thể của Trung Quốc đã dần tăng lên. … Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để từ một quốc gia mạnh về các số lượng trở thành một quốc gia mạnh về chất lượng."

“Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về số lượng các bài báo được trích dẫn nhiều và tính nguyên bản của các bài báo.”

“Cả Trung Quốc và Mỹ đều phải đối mặt với tổn thất do suy yếu hợp tác công nghệ, cả ở cấp độ học thuật và công nghiệp, nhưng tổn thất của Trung Quốc hiện tại có thể lớn hơn”.

Báo cáo cũng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ít hơn nhiều so với Mỹ, cả về số tiền tuyệt đối và tỷ trọng GDP của tổng kinh phí R&D. Và tình trạng chảy máu chất xám ở Trung Quốc đang tiếp diễn: “Một số đáng kể sinh viên nước ngoài chọn ở lại và phát triển sự nghiệp ở Mỹ sau khi lấy bằng tiến sĩ các ngành STEM tại các trường đại học Mỹ,”Báo cáo viết.

Báo cáo IISS đã “đánh giá trung thực và rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc, có thể còn tranh cãi về một số kết luận hẹp, nhưng đánh giá tổng thể có vẻ đúng”, theo Farnsworth, cựu phó chủ tịch tại Hội đồng Giáo dục Mỹ và là người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với các trường đại học Trung Quốc.

Những lo ngại về mối quan hệ hợp tác công nghệ giữa hai nước xấu đi được nêu trong báo cáo IISS cũng nhất quán với kết quả hai cuộc khảo sát gần đây của các học giả Trung Quốc tại Mỹ. Một khảo sát được tiến hành bởi Hiệp hội Giáo sư Trung Quốc tại Đại học Michigan và khảo sát còn lại do Ủy ban 100 người, một nhóm các học giả người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng, thực hiện. Cả hai đều kết luận rằng các chính sách hiện tại của Mỹ, đặc biệt là Sáng kiến ​​Trung Quốc của Bộ Tư pháp nhằm trấn áp các hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, đang làm mối quan hệ hợp tác khoa học giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi.

Nguồn: