Kế hoạch xây dựng một loại tiền kỹ thuật của Facebook, có tên Libra, "không thể tiếp tục" cho đến khi các lo ngại được giải quyết, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell cho biết hôm thứ Tư, 10/7.
Những bình luận gay gắt từ cơ quan quản lý tài chính mạnh nhất của Hoa Kỳ đã nhấn mạnh những rào cản pháp lý đang gia tăng với các loại tiền điện tử.
"Libra đặt ra nhiều quan ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định tài chính", Powell nói trong phiên điều trần mỗi nửa năm về chính sách tiền tệ trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Hoa Kỳ. "Tôi không nghĩ rằng dự án đó có thể tiếp tục" mà không giải quyết được những lo ngại này, ông nói thêm sau đó.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Jerome Powell.
Powell cho biết bất kỳ đánh giá pháp lý nào về dự án nên "kiên nhẫn và cẩn thận". Ông cũng lưu ý rằng các quy tắc hiện tại không phù hợp với các loại tiền kỹ thuật số.
Tháng trước, Facebook Inc công bố các kế hoạch ra mắt một loại tiền ảo mới có tên Libra. Facebook đã liên kết với 28 đối tác bao gồm Mastercard, PayPal và Uber để thành lập Hiệp hội Libra, một thực thể có trụ sở tại Geneva quản lý đồng tiền kỹ thuật số mới, theo các tài liệu tiếp thị và phỏng vấn các giám đốc điều hành Facebook. Toàn bộ hệ thống dự kiến sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2020.
"Tiền kỹ thuật số không phù hợp một cách dễ dàng hoặc gọn gàng trong những quy định hiện hành của chúng ta, nhưng nó có tiềm năng quy mô hệ thống", ông nói. "Cần một cái nhìn cẩn thận, vì vậy tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta không thể nóng vội với vấn đề này".
"Chúng tôi rất đồng tình với Chủ tịch về việc cần thảo luận công khai vấn đề này", Elka Looks, người phát ngôn của Facebook cho biết. "Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi cùng với 27 Thành viên sáng lập khác của Hiệp hội Libra đưa ra thông báo sớm như vậy, để chúng tôi có thể tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về vấn đề này và nhận phản hồi".
Nhận xét của Powell về Libra đã ảnh hưởng đến giá bitcoin, đồng tiền này đã giảm tới 7% trong ba giờ điều trần.
Cuối tháng trước, bitcoin đã tăng trở lại gần 14.000 USD và đã tăng hơn 30% kể từ ngày 18/6, khi Facebook công bố kế hoạch ra mắt Libra. Đến giữa chiều 10/7, bitcoin được giao dịch ở mức 12.268,99 đô, giảm 2,4% trong ngày. Cổ phiếu của Facebook cũng vậy, giảm trong phiên điều trần của Powell trước Ủy ban, nhưng cổ phiếu Facebook đã phục hồi sau đó và đang được giao dịch với giá cao hơn 1,3%, ở mức 201,89 đô la một cổ phiếu.
Không rõ Cục dự trữ Liên bang có thể làm chậm dự án bằng cách nào, kể cả nếu họ muốn, trong bối cảnh các cơ chế pháp luật dành cho các loại tiền kỹ thuật số không rõ ràng. Nhưng giống như Powell, các nhà lập pháp cấp cao đã nêu lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và các mối quan tâm khác. Các lãnh đạo của Facebook dự kiến sẽ điều trần trước Quốc hội về dự án vào cuối tháng này.
"Những kế hoạch của Facebook đang dấy lên lo ngại nghiêm trọng về riêng tư, giao dịch, an ninh quốc gia và chính sách tiền tệ với người tiêu dùng, nhà đầu tư, nền kinh tế Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu", hạ nghị sĩ Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ cho biết. Waters đã kêu gọi các giám đốc điều hành của Facebook làm chứng trước Quốc hội và yêu cầu công ty tạm dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà lập pháp và cơ quan quản lý xem xét dự án.
Powell cho biết Cục dự trữ Liên bang đã thành lập một nhóm làm việc để theo dõi dự án và đang phối hợp với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu. Ông cũng mong đợi một đánh giá từ Hội đồng giám sát ổn định tài chính Hoa Kỳ, một hội đồng quản lý chịu trách nhiệm xác định rủi ro cho hệ thống tài chính.
Powell lưu ý rằng ông ủng hộ đổi mới tài chính, miễn là xác định được mức rủi ro hợp lý, nhưng ông cho biết nền tảng khổng lồ mà Facebook có đang khiến Libra khác biệt với các dự án tiền kỹ thuật số khác.
"Facebook có một vài tỷ người dùng, vì vậy tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên một loại tiền kỹ thuật số có khả năng được áp dụng rất rộng rãi", ông nói. Bất kỳ vấn đề nào có thể xuất hiện thông qua Libra "sẽ phát sinh đến mức quan trọng về mặt hệ thống chỉ vì quy mô của Facebook".
Nguồn: