Vi phạm đo lường trong xăng dầu có vô số loại: Từ công nghệ cao là thay thế IC chương trình tới rút kẹp chì để chỉnh sai số… đều đã được các cơ sở kinh doanh áp dụng.

Từ ngày 1/7/2018, các cột bơm xăng dầu phải được gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng.Ảnh: Việt Hoà
Từ ngày 1/7/2018, các cột bơm xăng dầu phải được gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng.Ảnh: Việt Hoà

Gian lận bằng công nghệ cao

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cho biết, thực tế gian lận tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu tồn tại dưới nhiều hình thức, từ tiểu xảo, thủ công cho tới việc sử dụng công nghệ cao.

Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng, các chủ cây xăng có thể mua được một con chip điện tử về để “ăn cắp” tiền của khách hàng mua xăng. Con chip này được cài đặt hoặc giấu trong máy bơm xăng, đấu nối với một hệ thống dây chôn ngầm dưới mặt đất dẫn vào phòng điều hành bên trong. Đối với những IC chương trình giá có thể cao hơn (lên tới 5 triệu đồng).

Thông thường, hệ thống này được nhân viên điều khiển bằng máy tính trung tâm phía trong phòng điều hành nên khách hàng không thể phát hiện ra. Mỗi khi đoàn kiểm tra đến, nhân viên sẽ rút sợi dây nối từ cột bơm xăng vào phòng điều hành, máy bơm xăng sẽ lập tức trở về chế độ hoạt động chuẩn. Khi đoàn kiểm tra đi, hệ thống chip điện tử sẽ được đấu nối trở lại. Thực tế này từng bị cơ quan chức năng của Sở KH&CN Nghệ An phát hiện vào năm 2014.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An - cho biết, vào tháng 10/2014, sở đã bí mật, bất ngờ thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa và sở hữu công nghiệp đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Trong 51 cơ sở được thanh tra thì có tới 14 cơ sở thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo vượt quá mức cho phép, có lợi cho người bán (sai số qua thanh tra phát hiện là từ +4,1% đến +11,6%).

“Thủ đoạn lắp đặt IC chương trình giả rất tinh vi, có trình độ công nghệ cao, nếu bằng mắt thường rất khó để phân biệt với IC chương trình thật. IC thật chỉ chạy được một chương trình đúng. IC giả chạy được hai chương trình đúng và sai khác nhau. Muốn chạy chương trình sai, chỉ cần nhập một dãy mật khẩu theo dạng: P-6 chữ số ngầm định -E-E. Muốn IC giả chạy chương trình đúng, chỉ cần ngắt nguồn điện cung cấp cho phương tiện đo hoặc ấn một phím ngầm định (cơ bản là các phím: 000, TIME, 999)” - ông Hà diễn giải.

Để tạo thuận lợi cho việc cắt nguồn điện, tại các cơ sở sử dụng IC giả đã bố trí rất nhiều côngtắc, cầu dao khác nhau, cá biệt có trường hợp bố trí cầu dao ngoài đường.

Từ phát hiện này, Nghệ An cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hiện các vi phạm bằng công nghệ cao trong đo lường xăng dầu.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại Đồng Nai. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 8/2015, Sở KH&CN Đồng Nai đã phát hiện trên 61 cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu với số tiền phạt và truy thu lợi bất chính trên 6,4 tỉ đồng.

Cách “bắt gian” kết hợp truyền thống và hiện đại

Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở KH&CN Đồng Nai - cho biết, hiện các hình thức gian lận đo lường bằng cơ học dễ bị phát hiện đã được thay thế bằng công nghệ cao. Để phát hiện và “bắt quả tang”, lực lượng chức năng Sở KH&CN Đồng Nai đã phải kết hợp cả phương thức hành chính truyền thống cùng với giải pháp công nghệ.

“Để phát hiện các cây xăng gian lận, tôi đã phải dành nhiều thời gian cho công tác trinh sát. Tôi đóng giả người dân bị hỏng xe máy dọc đường, thuê xe ôm chở đi mua xăng dầu hoặc đóng vai người dân bán lẻ xăng dầu đi mua để bán lại. Trong khi mua, tôi quan sát vị trí bồn chứa, máy tính, cầu dao điện và những nơi chủ doanh nghiệp có thể tác động để đưa trụ bơm gian lận trở về trạng thái bình thường. Sau khi mua nhiên liệu, tôi cùng các thành viên trong đoàn tập kết ở một địa điểm có khoảng cách an toàn, thực hiện kiểm tra đo lường và chất lượng để xác định hành vi gian lận của doanh nghiệp trước khi kiểm tra tại hiện trường” - bà Phương kể.

Màn “tiếp cận mục tiêu” đầy màu sắc trinh thám này - theo bà Phương - là cách mà cơ quan quản lý phải linh hoạt áp dụng để đối phó với kiểu gian lận công nghệ cao của doanh nghiệp xăng dầu - với việc dùng IC chương trình giả có hình dáng giống thật hoặc IC chương trình thật nhưng đã nạp phần mềm có thể chạy được 2 chương trình đúng và sai như đã nói ở trên. Khi cần đối phó với cơ quan chức năng để không bị bắt quả tang, nhân viên cửa hàng chỉ cần thực hiện 1 trong 4 thao tác đơn giản sau là lập tức đưa cột đo xăng dầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường: Tác động lên bàn phím của cột đo xăng dầu; tác động lên bàn phím máy tính kết nối với cột đo xăng dầu; tắt nguồn điện để đưa cột đo xăng dầu từ trạng thái gian lận về trạng thái đúng sau khi mở nguồn điện lại; sử dụng remote, iPhone để tắt, mở nguồn điện, điều khiển trạng thái đúng hoặc gian lận của cột đo.

“Chỉ cần làm những động tác trên là hoàn tất việc điều chỉnh phần mềm trong IC, vô hiệu hóa công tác thanh - kiểm tra theo phương thức hành chính truyền thống” - bà Đỗ Ngọc Thanh Phương chia sẻ.

Theo bà Phương, khi áp dụng biện pháp kiểm tra kể trên, họ gặp phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp gian lận, nhưng pháp luật cho phép kiểm tra theo phương pháp đặc thù. Hiệu quả giải pháp này mang lại chính là phát hiện và nắm được chứng cứ gian lận. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cơ quan chức năng đã trinh sát, lấy mẫu, xác định được mức độ gian lận và cũng đến kiểm tra bất ngờ nhưng doanh nghiệp nhanh tay hơn, tắt nguồn điện hoặc côngtắc, cầu dao điện mà đoàn kiểm tra không thể tiếp cận được.

“Móng tay nhọn” đối phó với “vỏ quýt dày”

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An - cho biết, cuối năm 2014, trong quá trình thanh tra, sở đã phát hiện hành vi cài đặt IC chương trình giả để gian lận.

“Ngay sau đó, Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cho phép Thanh tra sở làm việc với những hãng sản xuất IC và mời chuyên gia của hãng về Nghệ An, đồng loạt kiểm tra tất cả các cây xăng trên địa bàn tỉnh. Khi chúng tôi đến cơ sở nào thì rút IC chương trình ra, xóa hết tất cả dữ liệu đã lưu cũ, bất kể là có gian lận hay không, giả hay thật đều xóa hết. Sau đó, hãng dán tem niêm phong lên, chi cục cũng dán tem niêm phong nữa lên để tránh gian lận” - ông Hà cho biết.

Ở đây, hướng chính của giải pháp công nghệ là tìm cách giám định IC của cột đo xăng dầu không phải của nhà sản xuất cột đo hoặc đã bị cài đặt phần mềm gian lận. Sau khi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất cột đo, cơ quan chức năng Nghệ An đã tìm ra giải pháp kỹ thuật giải quyết được vấn đề mấu chốt trên.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, một giải pháp khác cũng đem lại hiệu quả tốt là dán tem niêm phong đồng hồ tổng. Giải pháp này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nhập lậu xăng dầu không qua hóa đơn để bán ra. Các cây xăng phải ký hợp đồng với tổng đại lý, nếu như đổ hàng ngoài vào thì trên đồng hồ tổng sẽ phát hiện được ngay.

“Sau khi dán tem đồng hồ tổng, tiền thuế xăng dầu của tỉnh Nghệ An tăng lên khoảng 3 lần” - ông Hà chia sẻ. Đặc biệt, sau khi thực hiện dán tem IC và đồng hồ tổng tại Nghệ An thì kết quả kiểm tra trong năm 2015 của Thanh tra Sở KH&CN và hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh dần đi vào ổn định, không có các hiện tượng sai phạm lớn”.

“Tại thời điểm bây giờ, việc niêm phong IC chương trình ngăn chặn tuyệt đối được tình trạng gian lận chương trình trong con IC đó. Các doanh nghiệp ủng hộ mình, quan trọng là chi phí bỏ ra không quá tốn kém. Tất nhiên, quy định xử lý luôn phải chạy theo các hành vi vi phạm. Cụ thể, có thể sau một vài năm, hành vi gian lận sẽ tinh vi hơn mà mình chưa phát hiện ra. Vì vậy, chắc chắn sẽ phải tìm những giải pháp công nghệ cao hơn nữa để bắt kịp với thực tế” - ông Hà bày tỏ quan điểm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây yêu cầu Bộ KH&CN khẩn trương ban hành thông tư quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; có biện pháp kỹ thuật giám sát hoạt động của cột đo xăng dầu để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngay sau đó, Bộ KH&CN đã ban hành thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó từ ngày 1/7/2018, các cột bơm xăng dầu phải được gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng. Theo quy định, việc in chứng từ chỉ được thực hiện khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng. Các thông tin bắt buộc in trên chứng từ gồm tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; biển, ký hiệu, số serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán.