Tốc độ 3G không thỏa mãn
Chia sẻ bên lề Hội thảo “Tầm nhìn từ đầu cuối đến đầu cuối cho triển khai LTE – Từ triển khai thành công đến đảm bảo chất lượng Trải nghiệm” sáng 9/12 tại Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty COMIT, đơn vị thường xuyên đo kiểm chất lượng mạng tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cho biết, tốc độ 3G hiện nay tương đối chậm. Thậm chí, tốc độ này còn không đảm bảo triển khai các dịch vụ như thương mại điện tử.
“Bản thân công ty chúng tôi triển khai các quy trình trên đám mây, nhưng khi kết nối qua 3G thì gặp khó khăn,” ông Sơn nói.
Nói về việc nhiều khi ở thành phố mạng 3G cũng không kết nối được hoặc rất chậm, ông Sơn công nhận có những khu vực 3G rất tốt, và ngược lại.
Không tiết lộ chi tiết, song ông Sơn cho rằng một trong những đặc điểm của 3G là vùng phủ sóng không rộng như 2G. Trong khi đó, đặc điểm khu đô thị Việt Nam trải rộng, có nhiều ngõ hẹp nên vùng phủ 3G không tới được.
Nguyên nhân này cũng được đại diện của Viettel và VNPT đưa ra trong một cuộc tọa đàm về 4G mới đây. Bên cạnh đó, các đơn vị này còn cho rằng nhiều điểm lắp trạm thu phát sóng 4-5 năm vẫn không xin phép và triển khai được.
Ông Sơn cũng cho rằng một phần của lý do khiến khách hàng không thỏa mãn với chất lượng 3G chính là cảm tính của người dùng với đòi hỏi ngày càng cao. Về đo kiểm thực tế, trong 6 tháng qua tốc độ 3G là ổn định.
Thách thức với 4G
Về việc cơ quan quản lý dự kiến sẽ cấp phép triển khai 4G vào năm 2016, các chuyên gia của VIAVI Solutions (nhà sản xuất trong lĩnh vực đo kiểm và quản lý mạng viễn thông của Mỹ) và COMIT cho rằng, với sự chuẩn bị kỹ và cơ hội chín muồi, Việt Nam đang có cơ hội để triển khai 4G. Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ.
Tốc độ của 4G sẽ giúp việc tải dữ liệu nhanh chóng. (Ảnh: VNP)
Theo ông Lê Hồng Sơn, khi triển khai 4G, tốc độ truy cập mạng sẽ có bước nhảy vọt. Trong giai đoạn đầu, người dùng Việt Nam sẽ thấy tốc độ rất tuyệt vời. Song khi có nhiều người tham gia thì tốc độ còn phụ thuộc vào việc nhà mạng có tiếp tục đầu tư hay không.
Ông Rob Lerner, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh của VIAVI cho rằng, những thách thức khi triển khai 4G ở Việt Nam chính là tăng vùng phủ và dung lượng tới người dùng và giảm chi phí vận hành. Trong khi đó, xu hướng Internet của vạn vật sẽ làm tăng sự phức tạp của mạng di động…
Thực tế, LTE là công nghệ phức tạp, khi triển khai sẽ ảnh hưởng đến các mạng 2G/3G hiện tại. Ông Sơn cho biết 4G được xây dựng trên nền tảng công nghệ không dính dáng đến thế hệ cũ (2G, 3G). Theo đó, các điểm khác biệt này gây ra những trục trặc trong khả năng liên thông giữa các mạng, giữa các thiết bị với nhau.
Chính vì thế, ông Sơn nói, việc đo kiểm chất lượng cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời đưa ra khuyến nghị khắc phục.
Các chuyên gia cũng cho rằng nhà mạng cần có biện pháp phân bổ nguồn tài nguyên vô tuyến hữu hạn để giảm thiểu nhiễu liên hệ thống và nhiễu liên công nghệ. Bên cạnh đó, các mạng tế bào được phân bổ mới cũng cần triển khai để cải thiện vùng phủ tín hiệu và gia tăng khả năng phục vụ của mạng…
Đại diện VIAVI Solutions cũng đưa ra những giải pháp cho phép nâng cao hiệu năng mạng từ đầu cuối tới đầu cuối, cho phép các mạng tự tổ chức định hướng khách hàng, thấu hiểu trải nghiệm của khách hàng…