Công nghệ này đã được nghiên cứu và hoàn thiện trong mười năm qua bởi nhóm tác giả ở Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Chiều 19/7, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - VAST) và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Mặt trời đỏ Red Sun Biotech (thuộc An Việt Group) đã ký kết chuyển giao bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2558 với tên “Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên chất mang than sinh học để xử lý đất ô nhiễm hydrocarbon thơm và chế phẩm vi sinh thu được bằng quy trình này”.

Theo đó, doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất chế phẩm ở quy mô công nghiệp, giúp cho việc xử lý ô nhiễm xăng dầu bằng biện pháp sinh học an toàn, hiệu quả. Về phía mình, Viện Công nghệ sinh học sẽ hỗ trợ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật tham gia hướng dẫn bên tiếp nhận công nghệ thực hiện các khâu kỹ thuật, cũng như các công việc liên quan đến triển khai Giải pháp hữu ích.

Ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch An Việt Group và là đại diện của Red Sun Biotech, cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu công nghệ này và đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm của nhóm nghiên cứu, kết quả an toàn, hiệu quả rất tốt trong việc xử lý các vùng, các nơi bị ô nhiễm xăng, dầu mà trước đây dùng các biện pháp khác rất phức tạp và tốn kém." Red Sun Biotech từng đưa vào ứng dụng các sản phẩm như dung dịch vi sinh phun khử̉ mùi chuồng trại, chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi, chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi, chế phẩm trộn vào thức ăn thủy sản và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học tái tạo đất…

Trong khi đó, PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (VAST), cho rằng, “Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp là điều tất yếu, khi nghiên cứu hội tủ đủ các yếu tố về khả năng áp dụng trong thực tiễn cũng như sự sở hữu được pháp luật công nhận.”

Theo Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2558 do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp năm 2021, là kết quả của quá trình nghiên cứu hơn 10 năm.

chất mang
Nhóm tác giả thử nghiệm chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên chất mang than sinh học từ trấu để xử lý ô nhiễm ở một kho xăng dầu. Nguồn: VAST

Từ năm 2012, nhóm tác giả ở Viện Công nghệ sinh học đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng các vi sinh vật tạo màng sinh học nhằm xử lý ô nhiễm môi trường như xử lý ô nhiễm dầu, ô nhiễm nitơ trong nuôi trồng thuỷ sản… Nhóm tác giả đã có được các chủng vi sinh vật tạo màng sinh học có khả năng phân hủy, chuyển hóa và sử dụng các thành phần hydrocarbon có trong dầu mỏ như benzen, naphtalen, phenol, toluen, xylen... làm nguồn carbon và năng lượng cho quá trình sinh trưởng.

Đồng thời, nhóm tác giả đã nghiên cứu các chất mang như mút xốp, xơ dừa, sỏi nhẹ, giấy,… để giúp các vi sinh vật duy trì lâu dài hơn trong các hệ thống xử lý và tăng cường hiệu quả xử lý.

Sau đó, nhóm tác giả tiếp tục phát triển sản phẩm bằng cách sử dụng than sinh học (biochar) từ trấu - vốn rất sẵn và có giá thành rất rẻ ở Việt Nam - làm chất mang.

Chất mang gắn vi sinh vật tạo màng sinh học đã làm cho hiệu quả của các quá trình xử lý tăng lên rõ rệt. Nguyên do là than sinh học có nguồn gốc từ trấu có cấu trúc bề mặt với nhiều lỗ rỗng và có độ xốp cao, hấp phụ dầu tốt hơn. Điều này giúp cho các vi sinh vật tạo màng sinh học mà nó mang dễ dàng tiếp cận và sử dụng những thành phần được hấp phụ để sinh trưởng.

Nhóm tác giả nhận thấy, chế phẩm của mình khác với các sản phẩm hóa học và sinh học đang có trên thị trường ở chỗ có sự kết hợp của cả 3 phương pháp vật lý (cơ chế hấp phụ), hóa học (sự chuyển hóa các chất) và sinh học (sử dụng vi sinh và giá thể sinh học, không gây ô nhiễm môi trường). Và chế phẩm này có thể sử dụng cả ở môi trường đất và nước vì vậy nó có tính ứng dụng khá cao.

Chế phẩm đã được thử nghiệm tại một số khu vực bị ô nhiễm dầu, chẳng hạn như một số kho xăng dầu ở Hà Nội, Thanh Hóa...

Trước đó, năm 2019, nhóm tác giả cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1942 cho quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên chất mang than sinh học từ rơm rạ và trấu để xử lý nước nhiễm dầu.