Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, ChatGPT tỏ ra đặc biệt hữu ích đối với những người có kỹ năng viết tương đối yếu khi giúp nhóm này cải thiện hiệu suất lên mức gần bằng với những người có kỹ năng viết thành thạo.
Về lâu dài, chúng ta có thể thấy sự chênh lệch hiệu suất giữa các nhóm người lao động với mức độ kỹ năng khác nhau giảm xuống - theo Whitney Zhang, nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một đồng tác giả của nghiên cứu.
ChatGPT đã giúp cải thiện tốc độ và chất lượng tác vụ viết văn bản ở nhóm gần 500 người lao động.
Khi ChatGPT ra mắt vào cuối 2022, đã có nhiều suy đoán về cách công cụ tạo sinh văn bản này ảnh hưởng đến thị trường lao động. Vì vậy, Zhang và đồng nghiệp Shakked Noy, cũng là nhà kinh tế học tại MIT, đã thiết kế một thử nghiệm để tìm hiểu tác động của nó đối với năng suất của người lao động.
Họ đã tuyển 453 người có trình độ đại học, gồm các chuyên viên tiếp thị, người viết đề xuất xin tài trợ, nhà quản lý. Người tham gia được yêu cầu viết thông cáo báo chí, báo cáo ngắn, bản phân tích và các văn bản khác.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ viết văn bản đầu tiên, khoảng một nửa số người tham gia được hướng dẫn sử dụng ChatGPT để viết văn bản thứ hai. Nhóm được tiếp xúc với chatbot hoàn thành nhiệm vụ viết văn bản thứ hai nhanh hơn đáng kể, trung bình trong 16 phút, so với trung bình 27 phút của nhóm không sử dụng ChatGPT.
Các văn bản được đưa cho các chuyên gia đánh giá và chấm điểm trên thang từ 1-7. Giữa 2 nhóm, nhóm được sử dụng chatbot có điểm trung bình ở nhiệm vụ thứ hai cao hơn 18% so với nhóm không sử dụng.
Trong nhóm dùng chatbot, những người có điểm thấp trong nhiệm vụ đầu tiên là những người có mức độ cải thiện nhiều nhất ở nhiệm vụ thứ hai. Điểm của họ tăng 1–2 điểm khi sử dụng chatbot. Trong khi đó, những người vốn có điểm cao trong nhiệm vụ đầu tiên chỉ duy trì điểm sau khi được hướng dẫn dùng ChatGPT. Cả nhóm dùng chatbot đều hoàn thành nhiệm vụ thứ hai nhanh hơn so với nhiệm vụ thứ nhất.
“Đây gần giống như một hiệu san bằng. Những người ít kinh nghiệm hơn được hưởng lợi nhiều hơn từ công cụ này”, Robert Seamans, nhà kinh tế tại Đại học New York, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
Anton Korinek nhà kinh tế tại Viện Brookings, cho rằng đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng trên thị trường lao động. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là kỹ năng viết của một nhóm nhất định sẽ bị giảm giá trị, theo Korinek. Một số phát hiện nhỏ của nghiên cứu nhất quán với luận điểm này.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các công cụ AI sẽ thay thế hoàn toàn một số nhân lực. “Hầu hết các công việc liên quan đến rất nhiều tác vụ khác nhau và viết lách chỉ là một phần, tất cả các phần khác vẫn cần đến con người, ít nhất là vào lúc này”, Korinek nói.
“Điều quan trọng là tất cả những người lao động phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công nghệ”, ông nói thêm. “AI sẽ trở nên phổ biến, giống như Internet hiện nay, và những người hiểu cách làm việc với công nghệ sẽ hưởng lợi".
Nguồn: