Vượt qua hơn 70 dự án, viên nén sinh khối có thành phần bã cà phê dùng làm nhiên liệu đốt của đội thi COFFUEL đã giành giải quán quân cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Công nghệ HUST - TECHSTART 2023 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
HUST – TECHSTART là cuộc thi khởi nghiệp công nghệ dành cho tất cả sinh viên đang học tại các trường đại học trên toàn quốc. Đây là lần thứ 2 cuộc thi được tổ chức, kéo tài từ tháng 3 đến tháng 7/2023.
Cuộc thi giúp các dự án sinh viên được tiếp cận với những cơ hội ươm tạo công nghệ, kết nối chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư v.v để đảm bảo khả năng phát triển nhanh chóng trong hệ sinh thái khởi nghiệp khắc nghiệt.
Đêm chung kết cuộc thi năm nay diễn ra vào tối ngày 5/7 với những kết quả nổi bật.
Cụ thể, giải Nhất 30 triệu đồng thuộc về dự án Coffuel tái chế bã cà phê thành nguồn năng lượng sạch của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Ngoại thương.
Giải Nhì 20 triệu đồng thuộc về Famifina, ứng dụng quản lý tài chính thông minh cho trẻ em dưới sự giám sát của cha mẹ của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Giải Ba 10 triệu đồng thuộc về Biohust, ống hút sinh học làm từ cỏ sậy của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngoài ra, còn có hai dự án đạt giải tiềm năng trị giá 5 triệu đồng/giải, gồm:Greenba - sản xuất nui gạo mầm chuối xanh của nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; và Heril - công nghệ hỗ trợ nuôi ruồi lính đen của nhóm sinh viên trường Đại học Vinh và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong hạng mục các “Giải pháp phù hợp với xu hướng công nghệ tương lai”, có 4 đội được vinh danh, tương ứng với 4 xu hướng công nghệ, đó là: Sản phẩm và Dịch vụ Thông minh (Awakedrive); Công nghệ Đời sống (Greenba); Công nghệ Tài chính (Famifina); Công nghệ Chuỗi khối và Vũ trụ ảo (Lightbulb). Mỗi đội thi nhận giải thưởng 4 triệu đồng.
Coffuel giải quyết hai vấn đề của xã hội
Ý tưởng của Coffuel bắt đầu từ chuyến đi thực tế đến Đắk Lắk khi các thành viên trong nhóm chứng kiến quá trình trồng cà phê. Mỗi năm, Việt Nam sản sinh ra 1,8 triệu tấn bã cà phê, và 80% lượng phụ phẩm này được thải ra ngoài môi trường. Lượng khí thải gây ô nhiễm nặng nề, cùng với đó là sự lãng phí một nguồn tài nguyên giàu tiềm năng.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng những năm vừa qua đã đẩy giá nguyên liệu lên cao, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp như tăng chi phí vận hành, giảm khả năng cạnh tranh,..
Coffuel đem đến giải pháp tái chế bã cà phê thành nguồn nhiên liệu – giải quyết đồng thời hai bài toán kể trên.
Sản phẩm của Coffuel có 2 dòng chính: viên nén sinh khối sử dụng cho các lò hơi công nghiệp và viên nén dân dụng cho mục đích nấu nướng và các chuyến đi camping. Các viên nén chứa 45-50% sinh khối là bã cà phê, còn lại là mùn cưa.
Nhóm đang cố gắng đưa các sản phẩm viên nén của mình thành sản phẩm đáp ứng chỉ tiêu ISO và chỉ tiêu của một số thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, nhóm sinh viên đã có những đơn hàng thử nghiệm đầu tiên, và hiệu quả đem lại đáng lưu ý: Hiệu năng lớn hơn 120% so với viên nén gỗ, và lượng tro giảm 9% so với nguồn nhiên liệu chính thống như than đá. Sản phẩm được ghi nhận hiệu năng tốt và có khả năng cạnh tranh về giá với viên nén gỗ, sản phẩm có thị phần lớn nhất hiện nay.
Coffuel đang thuê ngoài các xưởng gia công (OEM) ở Bắc Giang để sản xuất viên nén nhiên liệu theo quy trình nhằm tối ưu chi phí và giảm rủi ro. Tuy nhiên, nhóm cũng phải đối mặt với các thách thức về xoay vòng vốn và đảm bảo không bị mất bí quyết sản phẩm khi mở rộng sản xuất.
Nhóm cho rằng họ có thể tạo lợi thế lâu dài bằng cách đầu tư nhiều hơn vào R&D để xây dựng những quy trình sản xuất hoàn thiện, khép kín.
Họ cũng có định hướng phát triển những sản phẩm mới, như dùng công nghệ trích ly với khí CO2 siêu tới hạn để chiết xuất dầu từ bã cà phê tạo nguyên liệu trung gian cho các ngành công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm; hoặc phát triển các loại dầu diesel sinh học từ bã cà phê để phục vụ thị trường năng lượng tái tạo.
“Gỗ lấy từ rừng cây, ngay cả xăng sinh học cũng sử dụng nguồn lương thực sắn, ngô, lúa mỳ... Với tôi, đây là điều vô lý. Hãy để cây cối là máu thịt mẹ trái đất, khoai sắn là nguồn lương thực cho những người nghèo đói. Chúng ta cần tận dụng những phụ phẩm bỏ đi để tạo một tương lai bền vững hơn,” Nguyễn Xuân Bảo, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện Coffuel, chia sẻ.
“Viên nén nhỏ tượng trưng cho thay đổi lớn, và khách hàng tin dùng những sản phẩm này cũng là những người hướng tới tương lai bền vững hơn. Không vĩ đại như tên lửa hay phần mềm AI biết làm thơ, nhưng tôi tin đây là sản phẩm thế giới đang cần,” Xuân Bảo nói thêm.